Trung Quốc trong xu hướng “robot hóa” ngành công nghiệp điện tử

  •  
  • 2.485

Trước thực trạng lương nhân công và dân số già ngày càng gia tăng, giới lãnh đạo trong các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử cho rằng không lâu nữa, các "công nhân robot" sẽ thay thế con người trong các nhà máy ở Trung Quốc. Thật vậy, một làn sóng robot công nghiệp mới đang được phát triển, từ những robot hình người cao cấp có cả các giác quan và khả năng học hỏi đến những robot giá rẻ thích hợp với mức lương thấp của Trung Quốc.

Các nhà quản lý dự đoán trong 5 năm tới, những công nghệ robot nói trên sẽ làm thay đổi hoạt động tại các nhà máy Trung Quốc, cũng như bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động đang gia tăng trong bối cảnh lực lượng lao động trẻ của nước này ngày càng không hứng thú với công việc lao động chân tay.

Hiện nay, không chỉ các nhà sản xuất robot truyền thống như Tập đoàn ABB (Thụy Sĩ) hay Tập đoàn Kuka (Đức) ra sức cải tiến robot, mà các nhà cung cấp thiết bị điện tử tại châu Á như Tập đoàn Delta Electronics, Tập đoàn Công nghệ Foxconn của Đài Loan hay nhà sản xuất robot Universal Robots của Đan Mạch cũng đang tìm cách phát triển những robot tiện dụng hơn.

Trung Quốc trong xu hướng “robot hóa” ngành công nghiệp điện tử
Robot lắp ráp linh kiện do Tập đoàn Delta Electronics sản xuất đang được thử nghiệm. (Ảnh: WSJ)

Đơn cử, Delta lâu nay được biết đến là nơi sản xuất bộ sạc cho các thương hiệu nổi tiếng, như Apple, năm ngoái đã triển khai một dự án đầy tham vọng: sản xuất robot giá rẻ nhằm thay thế nhân công tại các nhà máy sản xuất hàng điện tử của Trung Quốc. "Rõ ràng, tự động hóa là xu hướng tương lai tại Trung Quốc, nhưng câu hỏi lớn là làm thế nào để hạ giá robot. Chúng tôi tin mình có thể làm được điều đó bởi vì chúng tôi tự sản xuất đến 2/3 linh kiện", Chủ tịch Delta Yancey Hai tự tin nói. Hiện Delta đang thử nghiệm một robot 4 bậc một tay có thể di chuyển các vật thể, lắp ráp linh kiện và thực hiện một số việc tương tự. Đến năm 2016, Delta hy vọng sẽ ra mắt thị trường phiên bản đầu tiên với giá khoảng 10.000 USD, chỉ bằng nửa giá robot cùng loại hiện hành và rẻ hơn lương của một công nhân tại Trung Quốc, nhưng nó có thể làm việc 24/24.

Trong khi đó, các hãng robot khác cũng đã cho ra đời các robot sản xuất thế hệ mới, có thể lập trình lại dễ dàng và đủ thông minh để làm việc cùng với con người một cách an toàn. Chẳng hạn như robot hình người với 2 cánh tay gồm 7 khớp nối của ABB – nhà sản xuất robot công nghiệp hàng đầu thế giới. Robot này chuyên thực hiện những công việc chính xác và dừng hoạt động khi có người chạm vào. Mặc dù chi phí trang bị loại robot này cao hơn nhân công, nhưng khoảng cách về giá đang dần thu hẹp do lương ở Trung Quốc đang tăng ở mức 2 con số mỗi năm.

Các chuyên gia nhận định tự động hóa sẽ giúp các công ty tránh được những chỉ trích gay gắt về điều kiện lao động của công nhân. Theo đó, hãng sản xuất và lắp ráp linh kiện lớn nhất thế giới Foxconn đã có kế hoạch lắp đặt 1 triệu robot công nghiệp tại các nhà máy vào năm 2014. Nhà sản xuất Pegatron cũng đang nỗ lực tự động hóa hầu hết các khâu nguy hiểm và tốn nhiều nhân lực, khi đầu tư khoảng 100 triệu USD để tự động hóa dây chuyền sản xuất vỏ thiết bị điện tử. Trong khi đó, Quanta – nhà sản xuất máy tính để bàn lớn nhất thế giới, hy vọng sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong qui trình tự động hóa trong vòng 2 năm tới, khi chi phí lao động ngày một gia tăng.

Trong bối cảnh công nghệ robot ngày càng phát triển và có tiềm năng hạ giá, nhiều người cảnh báo các công ty điện tử nước ngoài tại Trung Quốc có thể sẽ đưa các nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện của họ về nước. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lại phản bác ý tưởng đó, khi cho rằng ngành lắp ráp hàng điện tử vẫn sẽ trụ vững ở quốc gia đông dân nhất thế giới, bởi vì nước này vẫn là nơi có chuỗi cung ứng thiết bị rất lớn.

Theo Báo Cần Thơ
  • 2.485