Trung Quốc trục vớt thuyền buôn 800 năm tuổi

  •  
  • 772

Trung Quốc vừa trục vớt một xác tàu buôn 800 năm tuổi từ đáy biển Hải Nam vào thứ bảy vừa qua. Thương thuyền này chứa đầy các di vật có thể chứng minh cho sự tồn tại của thông thương hàng hải giữa Trung Quốc và phương Tây.

Con tàu được kéo lên một chiếc sà lan trong một lồng sắt cao bằng tòa nhà 3 tầng. Nó được làm bằng gỗ, có chiều cao 30 mét, chứa hàng nghìn loại hàng hóa bằng vàng, bạc và đồ sứ.

Chiếc thuyền tên Nam Hải 1 này được phát hiện vào năm 1987 thuộc địa phận bờ biển tỉnh Quảng Đông, chôn vùi dưới lớp phù sa dày 2 mét ở độ sâu 30 mét. Nam Hải 1 sẽ được chuyển về một viện bảo tàng trị giá 20 triệu đô-la được xây riêng cho nó. Con thuyền sẽ được đặt trong một bể chứa lớn, một “cung điện thủy tinh” có nhiệt độ và áp suất tương tự như ở đáy biển nơi con thuyền bị chôn vùi.

Dự kiến bảo tàng này sẽ được mở cửa vào cuối năm sau. Khách tham quan có thể quan sát quá trình tách con tàu khỏi lớp phù sa qua các cửa sổ ở các mặt của bể chứa. Có thể phải mất hàng năm để hoàn tất công trình này.

Tân Hoa xã cho biết các nhà khảo cổ đã phát hiện được hơn 4000 bình chứa vàng, bạc, đồ gốm sứ trên tàu, khoảng 6000 đồng tiền đồng từ triều Tống (960 – 1279) sau Công nguyên), thời điểm xây dựng con tàu này. Đây là tàu buôn lớn nhất và cổ xưa nhất từng được phát hiện ở Trung Quốc. Các nhà khảo cổ hy vọng họ sẽ phát hiện thêm hàng chục nghìn di vật nữa.

(Ảnh: Theage.com.au)

Thuyền Nam Hải có thể cung cấp chứng cứ về một “Con đường tơ lụa trên biển” giữa hai tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến của Trung Quốc với Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu, tương tự như Con đường tơ lụa nổi tiếng trải dài từ Trung Á sang đến châu Âu.

Huang Zongwei, giáo sư tại Đại học Sun Yat-sen tại Quảng Đông phát biểu trên Tân Hoa xã: “Con đường tơ lụa trên biển, giống như Con đường tơ lụa cổ xưa, nối Trung Quốc với phía nam, tây và trung Á, Âu. Nó cũng là nhịp cầu văn hóa Đông – Tây. Nhưng bằng chứng tồn tại của con đường này vẫn còn rất mong manh.”

Tuệ Minh (Theo Reuters, Yahoo news)
  • 772