Trung Quốc vươn cao trên bầu trời khoa học – công nghệ

  •  
  • 10.591

“Khoảng cách giữa Trung Quốc và các cường quốc khoa học tiên tiến trên thế giới không ngừng được rút ngắn, một số lĩnh vực khoa học – công nghệ được xếp vào hàng ngũ tiên tiến của thế giới”. Ông Tư Hòa Bình, phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu và khảo sát chiến lược thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ Trung Quốc đánh giá như vậy trong Báo cáo “Sức mạnh Khoa học – Công nghệ của Trung Quốc” vừa được công bố cuối tháng 9 vừa qua.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc (TQ) liên tục gặt hái thành tựu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ (KH-CN) được thế giới quan tâm chú ý. Từ năm 2002 đến nay, trung mình mỗi năm nước này thu được hơn 20.000 thành quả thuộc các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... khiến thực lực KH-CN không ngừng nâng cao. Với 35 triệu người làm việc trong các lĩnh vực KH-CN, TQ hiện đứng đầu thế giới về nhân lực KH-CN.

Tuyến đường sắt cao nhất thế giới nối liền tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc TQ với thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. (Ảnh: Adventure)

Đó là chưa kể, năm ngoái TQ có 1,4 triệu chuyên gia về nghiên cứu và phát triển khoa học, xếp thứ hai thế giới sau Mỹ. Về số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, hiện nay các nhà khoa học TQ đứng thứ 5, chỉ sau Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Năm ngoái, TQ lọt vào top 4 nước có số bằng sáng chế nhiều nhất thế giới cùng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ngoài 200 phòng thí nghiệm do nhà nước quản lý, đến cuối năm 2006, TQ có 150.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH-CN. Cách đây 2 thập niên, con số này chỉ là 7.000.

Với việc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái lần thứ hai “Thần Châu 6” (năm 2005), lịch sử KH-CN vũ trụ TQ đạt được nhiều “đệ nhất”. Đó là lần đầu tiên thực hiện việc nhiều người du hành vũ trụ trong nhiều ngày, lần đầu tiên triển khai thí nghiệm khoa học không gian với sự tham dự của con người, lần đầu tiên khởi động hệ thống kiểm soát môi trường và đảm bảo sự sống trong khoang tàu vũ trụ... Mới đây, giới KH-CN vũ trụ TQ thông báo sẽ phóng vệ tinh thăm dò Mặt trăng đầu tiên trong năm nay.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, TQ còn hoàn thành các công trình trọng điểm, trong đó phải kể đến tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng, công trình dẫn nước Nam - Bắc, đập Tam Hợp.... Việc triển khai mỗi công trình đều là một lần vượt bậc trong lịch sử KH-CN TQ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, TQ còn thu được hàng loạt thành quả về kỹ thuật nông nghiệp quan trọng như tạo ra các giống lúa lai và ngô lai siêu hạng.

Về năng lượng, các nhà khoa học TQ đạt được tiến bộ quan trọng trong thăm dò dầu mỏ, nghiên cứu chế tạo thiết bị đồng bộ sử dụng trong công trình hóa lỏng than đá cỡ lớn, công nghệ khai thác và tận dụng nguồn năng lượng khác..., đặt cơ sở cho việc điều chỉnh kết cấu năng lượng và đảm bảo an toàn năng lượng. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực môi sinh cũng như phòng chống và giảm thiểu thiên tai, TQ đã có các bước đột phá kỹ thuật trọng điểm trong công tác quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm không khí..., xây dựng hệ thống quan trắc và dự báo thiên tai về khí tượng, động đất, lũ lụt...

Trong lĩnh vực y tế, TQ đã thu được đột phá quan trọng về kỹ thuật phòng chống những căn bệnh nghiêm trọng như tim mạch, ung thư, HIV/AIDS, viêm gan, SARS... Năm 2005, TQ nghiên cứu và chế tạo thành công vắcxin làm suy yếu độc tố dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N2. TQ cũng thu được tiến triển nổi bật về các mặt nghiên cứu chế tạo tân dược, hiện đại hóa Đông y, Đông dược....

Với chuyến du hành trong vũ trụ thành công bằng tàu Thần Châu 6, hai phi hành gia Phí Tuấn Long (trái) và Nhiếp Hải Thắng đã ghi tên mình vào lịch sử ngành KH-CN vũ trụ TQ. (Ảnh: The Age)

Phân tích nguyên nhân tạo nên các thành tựu trên, ông Mai Vĩnh Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp quy và Cải cách thể chế Bộ KH-CN TQ cho rằng công tác phát triển KH-CN của TQ đã có sự tích lũy đáng kể. TQ đã có hệ thống gồm các lĩnh vực khoa học hoàn thiện chưa phổ biến trên thế giới hiện nay; đã tích lũy được nguồn lực KH-CN hùng hậu nhất thế giới. Kinh phí nghiên cứu khoa học mỗi năm một tăng cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp KH-CN phát triển. Năm qua, ngân sách cho nghiên cứu và phát triển khoa học của TQ lên tới 58 tỉ USD, chiếm 1,42% GDP, cao thứ 5 thế giới.

Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 17, được tổ chức tại Bắc Kinh vào trung tuần tháng này, sẽ tiếp tục đưa ra những định hướng mới có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển KH-CN của TQ. Giới KH-CN TQ dự báo sự nghiệp KH-CN của nước này từ đây sẽ bước vào một thời kỳ đại phát triển mới.

Trung Quốc chuẩn bị đưa người lên Mặt Trăng

Giám đốc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Michael Griffin mới đây cảnh báo khả năng TQ sẽ đưa người lên Mặt Trăng trước khi Mỹ đưa người trở lại hành tinh này, giống như Liên Xô trước đây từng đi trước Mỹ trong việc đưa vệ tinh và con người vào vũ trụ.

Theo Giám đốc NASA, gần 50 năm trôi qua kể từ khi Sputnik của Liên Xô trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, thế giới lại đang diễn ra cuộc chạy đua mới với đích nhắm là đưa người trở lại Mặt Trăng và trong cuộc chạy đua này, TQ sẽ lên Mặt Trăng trước Mỹ. Cho tới nay, TQ đã thực hiện thành công 2 chuyến bay vũ trụ có người lái sử dụng tên lửa đẩy do họ tự chế tạo và đang háo hức muốn sớm đổ bộ lên Mặt Trăng. Trong khi đó, NASA đặt hạn chót là năm 2020 mới đưa người trở lại Mặt Trăng. Ông Joan Johnson-Freese, Giám đốc Cục an ninh thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân cho rằng Mỹ có ưu thế vượt trội về công nghệ và hoàn toàn có thể đưa người trở lại Mặt Trăng nhanh hơn TQ nhưng “thiếu ý chí chính trị, dẫn tới thiếu nguồn lực để làm việc này”.

Cách đây 4 năm, TQ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đưa người vào quỹ đạo. Giờ đây, TQ đặt mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ riêng bay xung quanh quỹ đạo trái đất và dự kiến đưa người lên Mặt Trăng trong 10-15 năm tới.

TTXVN

Đ.KHANG

Theo China Daily, Xinhua, TTXVN, Báo Cần Thơ
  • 10.591