Các công nhân Trung Quốc đang xây dựng một cây cầu đường sắt hai tầng tại vùng biển động được mệnh danh là "Tam giác Bermuda châu Á".
Cầu đường sắt eo biển Bình Đàm trị giá 1,7 tỷ USD bắc ngang qua một trong những vùng biển động mạnh nhất ở đông nam Trung Quốc, Express hôm qua đưa tin. Khu vực này từng ghi nhận nhiều vụ biến mất bí ẩn của máy bay trực thăng và tàu thuyền và được mệnh danh "Tam giác Bermuda của châu Á".
Cầu vượt biển Bình Đàm đang được thi công. (Video: CGTN).
Các kỹ sư Trung Quốc bắt đầu thực hiện dự án vào năm 2013 và tin chắc họ có thể hoàn thành công trình giao thông đồ sộ này trong năm tới. Họ cũng lên kế hoạch chạy tàu tốc độ cao ở vùng biển nổi tiếng với những cơn sóng dữ.
Cầu đường sắt eo biển Bình Đàm khổng lồ nối đảo Bình Đàm và những quần đảo nhỏ ở gần đó với vùng đất liền của tỉnh Phúc Kiến. Công trình hai tầng có chiều dài 11km, dài gấp 45 lần Cầu Tháp ở London, Anh và gấp 6 lần cầu Brooklyn ở New York, Mỹ.
Để xây toàn bộ cây cầu, các công nhân cần sử dụng 300.000 tấn thép và 2.660.000 tấn xi măng. Lượng vật liệu này đủ xây 8 tháp Burj Khalifa ở Dubai, tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới hiện nay. Dự kiến bao gồm đường cao tốc 8 làn ở tầng trên và một đường sắt tốc độ cao ở tầng dưới, đây sẽ là cầu đường sắt đầu tiên ở Trung Quốc xây trên biển và được thiết kế để hỗ trợ tàu viên đạn chạy ở tốc độ lên tới 200 km/h.
Tuy nhiên, các điều kiện xây dựng vô cùng thách thức. Eo biển Bình Đàm, một phần của eo biển Đài Loan, thường xuyên trải qua những cơn gió mạnh. Trong hơn 300 ngày mỗi năm, gió mạnh thổi với tốc độ 48 km/h, kéo theo các đợt sóng cao ngang tòa nhà 10 tầng. Những cỗ máy khoan dưới nước sẽ phải chịu áp suất cực lớn lên tới 87 tấn do các dòng hải lưu tạo ra.
Kỹ sư chính Fan Lilong chia sẻ cầu Bình Đàm là dự án khó khăn nhất ông từng thực hiện trong 20 năm làm việc. Theo ông, khoan cột xuống đá biển là việc khó làm nhất. "Tôi cố gắng nghĩ ra giải pháp ngay cả khi đang mơ. Việc đó dường như là bất khả thi, giống như là đóng đinh vào đá vậy", Fan chia sẻ.
Đảo Bình Đàm (chấm đỏ) nằm trong khu vực được mệnh danh là "Tam giác Bermuda châu Á". (Ảnh: Long Room).
Cách không xa cây cầu là quần đảo Bành Hồ của Đài Loan, nơi từng diễn ra nhiều vụ máy bay thương mại và quân sự rơi không rõ nguyên nhân, làm dấy lên nhiều lo ngại vào năm 2008. Sau khi 85 tàu chở hàng và chở khách mất tích ở một dải hẹp gần Trung Quốc năm 2016, nhiều người tin vào giả thuyết vùng biển phía nam Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Philippines có thể là một Tam giác Bermuda mới.
Để chinh phục những điều kiện bất khả thi ở biển, các kỹ sư Trung Quốc thiết kế một loạt những cỗ máy quái vật xây cầu để giúp công nhân thi công cầu Bình Đàm. Một số thiết kế nổi bật bao gồm "Sea Power 801", một tàu khoan công suất mạnh có thể khoan xuyên sâu xuống đáy biển rắn với độ chính xác cao, một tàu cần trục có thể nâng tối đa 3.600 tấn, tương đương 7 con voi, và cần trục tháp có thể chịu lốc xoáy.
Cầu Bình Đàm nằm trong đường sắt Phú Bình trị giá 3,6 triệu USD, thuộc mạng lưới đường sắt mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc, bao phủ 88km. Trong 20 năm qua, chiều dài của đường sắt Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ 66.000 km lên 127.000km. Trung Quốc cũng là nước sở hữu nhiều cầu đường sắt nhất thế giới. Các công nhân đã xây dựng hơn 60.000 cầu đường sắt.