Trung Quốc đang xây dựng hệ thống đập lớn chưa từng có dọc theo con sông dài nhất nước này. Đây là một phần của một loạt dự án các nhà máy thuỷ điện đang được tạo nên ở một trong những vùng xa xôi và khắc nghiệt nhất hành tinh.
Những con sông nằm trong dự án xây dựng hệ thống đập có thượng nguồn ở những ngọn núi cao, nằm ở vùng Tây Tạng, cung cấp nước cho 1/5 dân số thế giới. Trong đó là sông Dương Tử, con sông đóng vai trò quan trọng đối với các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các dự án xây dựng hơn 10 con đập dọc theo đoạn sông này.
Ruth Gamble, nhà sử học môi trường về châu Á đến từ Đại học La Trobe, nói về hoạt động xây dựng ở khu vực này: "Những dự án lớn đang được thực hiện ở một trong những nơi dễ xảy ra động đất nhất trên Trái đất".
Chỉ riêng việc xây dựng Đập Bạch Hạc Than đã cần hơn 10.000 công nhân, khoảng 8 triệu m3 bê tông và “tốn” 31 tỷ USD. Con đập này có chiều cao tối đa là 289 mét và chiều dài vòng cung là 709 mét, giúp tạo ra 16.000 megawatt điện, gấp đôi lượng điện do đập lớn nhất nước Mỹ Grand Coulee tạo ra. Song, đây chỉ là một trong những con đập được xây dựng dọc theo sông Dương Tử.
Đập Bạch Hạc Than.
Trung Quốc ước tính các đoạn thượng nguồn của sông Dương Tử, được gọi là Kim Sa, nằm giữa khu tự trị Tây Tạng và Tứ Xuyên, có đủ tiềm năng để tạo ra 112 gigawatt điện. Con số này bằng 1/4 tổng công suất thuỷ điện hiện tại của nước này.
Gamble cho hay: “Nhiều người thường nói rằng Trung Quốc là trung tâm thuỷ điện của thế giới và vùng tây nam là trung tâm thuỷ điện của Trung Quốc. Nước này đang nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và việc xây dựng các dự án thuỷ điện giúp họ đạt mục tiêu đó nhanh hơn. Đây là khu vực có tiềm năng thuỷ điện tập trung lớn nhất thế giới”.
Những con sông có thượng nguồn ở Tây Tạng “đổ xuống” các vùng đất thấp trong khoảng thời gian rất ngắn. Động năng từ đó có thể được tận dụng làm thuỷ điện. Tuy nhiên, Gamble chỉ ra, vì có nhiều tiềm năng làm thuỷ điện nên khu vực này cũng có nhiều bất ổn về địa chất. Vì vậy, việc xây dựng cũng kéo theo nhiều rủi ro.
Một đoạn sông Kim Sa ở tỉnh Tứ Xuyên.
Các con đập ở sông Kim Sa rất dễ gặp tác động mạnh vì các mảng kiến tạo vốn rất dễ dịch chuyển lại giao nhau ở nơi này, cùng nhiều đường đứt gãy xung quanh. Con đập lớn nhất trên sông này sẽ cao 239 mét và là đập thuỷ điện đá đổ cao nhất thế giới, thuộc dự án nhà máy thủy điện Lawa và dự kiến tốn 4,6 tỷ USD.
Đây sẽ là dự án rất khó để hoàn thiện vì đang được xây dựng ở lòng sông. Để xây dựng, đội ngũ công nhân cần ổn định địa hình bằng cách đổ đá và hỗn hợp bê tông xuống đáy - nơi “mềm như thạch” của con sông. Trong khi đó, những vách đá bê tông khổng lồ sẽ được đặt dọc theo mép núi để hứng chịu nhiều trận lở đất, tuyết lở.
Địa điểm xây dựng nhà máy thuỷ điện Lawa trên Google Earth.
Bà Gamble giải thích, con đập cao 239 mét này có cấu tạo từ nhiều tầng bê tông và mỗi tầng sẽ có kích thước bằng một toà nhà cao tầng, “nằm” cạnh những vách đá được đắp bằng bê tông. Hơn nữa, những con đập đang được xây dựng trên nền đất không ổn định, vì bao quanh là các sườn núi dốc ở một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất châu Á.
Chỉ riêng năm 2007 giữa lu vực Tứ Xuyên và sông Kim Sa đã xảy ra hơn 100 trận động đất. Và sau đó vào năm 2008, một trận động đất lớn ở Vấn Xuyên, trên lưu vực Tứ Xuyên đã xảy ra. Đây là một trọng những trận động đất lớn nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến, khiến hơn 87.000 người thiệt mạng. Bởi vậy, nếu một trận động đất xảy ra, tác động đến đường đứt gãy dọc theo sông Kim Sa thì toàn bộ các con đập trên sông có thể bị phá huỷ.
Gamble giải thích, nếu một trận động đất lớn gây ra sự cố cho một trong những con đập này, thì mọi thứ sẽ như hiệu ứng Domino. Nếu họ không thể giữ được 2 con đập, thì mỗi lần sập, thảm hoạ sẽ tồi tệ hơn.