Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt dự án xây dựng một cơ sở tạo ra khói nhân tạo cho phép các nhà khoa học tìm ra những phương pháp mới nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Kế hoạch được biết đến với cái tên “buồng khói” đang nhanh chóng được tiến hành do đất nước này vẫn không ngừng bị màn khói dày đặc bao phủ. Tổ hợp Huairou, nếu hoàn thành, có thể sẽ là cơ sở nghiên cứu bầu khí quyển lớn nhất trên thế giới.
Giáo sư He Hong, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa Học Trung Quốc và là trưởng nhóm khoa học của dự án, cho biết buồng khói có khả năng phân tích 600 mét khối không khí ô nhiểm, gấp rưỡi cơ sở mang tên Euphore của Euro.
Giáo sư He nhấn mạnh đây không phải một dự án thể hiện sự khoe khoang, mà chỉ đơn thuần vì mục đích khoa học. “Buồng khói càng lớn, "hiệu ứng tường" càng nhỏ”. Vì thế, theo ông để mô phỏng chính xác, buồng khói lớn sẽ cho kết quả phân tích tốt hơn.
Tòa nhà được bao phủ trong một đám mây ô nhiễm tại khu vực Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)
Buồng khói sẽ bao gồm hai bán cầu có khả năng tạo khói tương tự như khói ô nhiễm trong thực tế.
Chính phủ cấp cho dự án hơn 6 ha đất ở quận Huairou của Bắc Kinh và nguồn kinh phí 500 triệu Nhân dân tệ.
Việc xây dựng sẽ được tiến hành vào đầu năm 2016, thậm chí sớm hơn nếu chính phủ mất kiên nhẫn trong cuộc chiến chống màn khói ô nhiễm và thúc đẩy các nhà khoa học nhằm có được kết quả sớm nhất.
“Chúng tôi đang chịu rất nhiều sức ép phải tìm ra câu trả lời và giải pháp ngay lập tức. Nhưng nghiên cứu khoa học đỏi hỏi rất nhiều thời gian, và nhiều vấn đề phức tạp không thể được giải quyết ngay", ông He cho biết. “Tôi hi vọng mọi người sẽ hiểu và cho chúng tôi thêm thời gian".
Các nhà khoa học đang vắt óc tìm hiểu nguyên nhân của màn khói ở Trung Quốc. Vẫn còn thiếu một sự hiểu biết chính xác về phản ứng hóa học trong bầu khí quyển, thứ đã tạo ra màn khói này. Nhiều nhóm nghiên cứu đã hướng sự chỉ trích vào nguồn phát khí thải. Họ buộc chính phủ Trung Quốc đưa ra những biện pháp như hạn chế ô tô, đóng cửa các nhà máy, nhưng hiệu quả vẫn là không đáng kể.
Những mô hình lí thuyết và toán học được các nhà khoa học phát triển trong những thập kỉ vừa qua nhằm giải thích hiện tượng màn khói ở Châu Âu và Mỹ không thể áp dụng trong trường hợp ở Trung Quốc.
Ở cơ sở Huarou, bằng cách bơm các tổ hợp ô nhiễm khác nhau vào mỗi bán cầu, các nhà nghiên cứu sẽ có thể phân tích các phản ứng hóa học một cách chi tiết. Hai ống bán cầu giống hệt nhau sẽ cho phép các nhà khoa học so sánh các kết quả kiểm tra.