Trước khi xử tử phạm nhân, vì sao đao phủ Trung Hoa xưa lại phải phun rượu lên lưỡi đao?

  •   3,65
  • 5.213

Hành động tưởng như kỳ lạ này thực chất được xem là việc làm bảo vệ các đao phủ trước một thế lực đáng sợ được tin là có tồn tại vào thời bấy giờ.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, đao phủ được xem là một nghề nghiệp tương đối đặc thù. Tuy nhiên vào năm 1912 khi Thanh triều diệt vong, sự sụp đổ của xã hội phong kiến cũng kéo theo sự biến mất của nghề nghiệp đặc biệt này.

Dù vậy thì cho tới ngày nay, người ta vẫn có thể nhìn thấy hình tượng đao phủ qua nhiều bộ phim Trung Quốc lấy bối cảnh cổ trang.

Khi quan phủ lấy tấm biển xử tử và ném xuống đất, đao phủ trên đài hành hình sẽ thể hiện những kỹ năng đặc biệt của mình. Đao phủ sẽ cầm thanh đại đao lên và nhẹ nhàng vuốt qua lưỡi đao bằng lòng bàn tay. Sau đó, đao phủ sẽ không lập tức dùng đao chặt đầu phạm nhân mà quay người cầm lấy bình rượu đã chuẩn bị sẵn, uống một ngụm lớn rồi phun một ngụm rượu vào đao. Chỉ khi toàn bộ nghi lễ này được hoàn thành, đao phủ mới có thể bắt đầu hành quyết.

Tuy nhiên, hình ảnh đao phủ trong thực tế có thể không hoàn toàn giống như vậy. Theo ghi chép lịch sử, không có quy định cụ thể về ngoại hình của đao phủ. Họ có thể là những người đàn ông bình thường, với vóc dáng và ngoại hình đa dạng.

Thế nhưng điểm mà ít ai chú ý tới lại nằm ở chỗ, trước khi hành hình, các đao phủ thời bấy giờ đều có thói quen ngậm một hớp rượu trong miệng rồi phun lên lưỡi đao.

Vậy đâu là lý do khiến họ phải thực hiện hành động kỳ lạ này trước khi chém đầu phạm nhân?

Đao phủ phun rượu lên đao
Hành động thường thấy của các đao phủ.

Điều ít biết về những người hành nghề lấy đầu người trong lịch sử Trung Hoa

Trên thực tế, mỗi loại nghề nghiệp đều có những quy tắc nhất định mỗi khi hành nghề. Nghề đao phủ cũng không phải ngoại lệ.

Thậm chí, những người hành nghề này trước và sau khi hành hình càng có nhiều điểm cần phải chú ý. Bởi đây là một nghề nghiệp đặc biệt, những thứ cần kiêng kỵ đương nhiên càng nhiều.

Xuất phát từ quan điểm tích đức hành thiện, nhiều người thường coi thứ nghề đoạt mạng người khác như đao phủ là một nghề nghiệp ác độc, dã man.

Thế nhưng sự thực là muốn trở thành một đao phủ thực thụ cũng không hề dễ dàng. Thậm chí nếu hành hình không tới nơi tới chốn, họ còn có nguy cơ bị người nhà phạm nhân tìm tới tính sổ.

Vì vậy, một đao phủ trước khi lên pháp trường đều sẽ phải trải qua quá trình huấn luyện vô cùng nghiêm khắc.

Khi mới theo học nghề, họ sẽ luyện tập chém dưa hấu, cọc gỗ, phải luyện tới trình độ một đao có thể chém tất cả ra làm hai nửa thì mới được xem là có tư cách nhập môn.

Và phải tới khi đã hoàn thành tất cả các bước rèn luyện đầy nghiêm khắc và gian khổ, các đao phủ mới có tư cách chính thức bước lên pháp trường.

Sự thật phía sau hành động phun rượu tế đao: Nghi thức cúng tế trở thành "luật ngầm" của giới đao phủ

Bên cạnh những kỹ năng nói trên, các đao phủ Trung Hoa xưa còn phải ghi nhớ và tuân thủ nhiều nguyên tắc khác. Việc phun rượu lên lưỡi đao trước khi hành hình cũng nằm trong số đó.

Theo Qulishi, đây thực chất không phải là một yêu cầu bắt buộc, thế nhưng lại trở thành một thứ luật bất thành văn trong giới đao phủ thời bấy giờ.

Đao phủ
Nghề đao phủ, dù mang tính chất bạo lực, vẫn có những quy tắc và nghi lễ riêng để đảm bảo sự trật tự và tôn trọng.

Vì vậy chỉ cần không rơi vào những tình huống đặc biệt, các đao phủ đều sẽ thực hiện hành động nói trên trước khi tiến hành chém đầu phạm nhân.

Trên thực tế, việc ngậm một hớp rượu rồi phun lên lưỡi đao thực chất bắt nguồn từ quan niệm có phần mê tín của cổ nhân.

Theo đó, phun rượu tế đao thực chất là một phương thức cúng tế. Đao phủ sở dĩ phải làm việc này là bởi nghề của họ vốn là nghề lấy đầu người, họ tin rằng hành nghề này dễ bị vong linh quấy rầy, và việc phun rượu lên lưỡi đao sẽ tránh bị ma quỷ quấy nhiễu.

Theo tín ngưỡng cổ xưa của người Trung Quốc, rượu trắng có tác dụng xua đuổi ma quỷ, còn rượu gạo có thể xua đuổi tà ma. Kẻ hành quyết phải trộn hai loại rượu này lại với nhau để phát huy tối đa hiệu quả của chúng. Khi hành quyết, trước hết đao phủ sẽ phải thầm cầu nguyện trong lòng, gọi là tế trời đất. Ngoài ra, họ còn phải tế đao, biểu hiện cho việc tế đao là phun rượu vào lưng đao.

Ngoại trừ hành động trên, không khó để nhận thấy giới đao phủ thời xưa còn thường mặc áo đỏ, quấn khăn đỏ lên đầu.

Thói quen này cũng mang mục đích xua đuổi tà ma như việc phun rượu tế đao, bởi người xưa tin rằng ma quỷ đều sợ màu đỏ.

Vì vậy, những việc làm tưởng như kỳ lạ nói trên của giới đao phủ thực chất chỉ nhằm mục đích bảo vệ bản thân trước các thế lực tâm linh mà họ tin rằng có tồn tại.

Giờ đây nhìn lại, nguồn gốc của những việc làm ấy có lẽ đều bắt nguồn từ nhiều quan niệm có phần mê tín từng tồn tại trong xã hội phong kiến Trung Hoa xưa.

Có rất nhiều điều cấm kỵ trong nghề đao phủ, tại sao người ta vẫn làm nghề này? Trước hết, đó là một nghề nghiệp được triều đình chính thức công nhận và có sự bảo đảm chính thức nhất định. Điểm thứ hai và quan trọng hơn là nghề đao phủ thường có mức lương cao.

Ngày nay, nghề đao phủ đã không còn tồn tại. Hình phạt tử hình bằng cách chém đầu cũng đã bị bãi bỏ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nghề đao phủ vẫn là một phần quan trọng của lịch sử Trung Quốc và những bí ẩn xung quanh nó vẫn luôn thu hút sự tò mò của nhiều người.

Cập nhật: 08/07/2024 Theo Dân Việt/ĐSPL
  • 3,65
  • 5.213