Tử cung hóa đá 200 tuổi nặng 3kg ở Anh

  •  
  • 829

Vật thể dạng tròn khác thường nằm trên khung xương chậu một hài cốt phụ nữ ban đầu được cho là hộp sọ, song phân tích cho thấy đây là tử cung canxi hóa nặng hơn 3kg.

Phát hiện tử cung hóa đá 200 năm tuổi

Đây được xem là tử cung bị canxi hóa hay vôi hóa lớn nhất từng khai quật được. Mental Floss hôm 25/9 cho hay, tử cung này thuộc về một phụ nữ ngoài 50 tuổi, được an táng trong tấm vải liệm tại St Michael’s Lytton ở Chichester, Anh, nghĩa địa được sử dụng từ cuối thời Trung Cổ tới thế kỷ 19.

Năm 2011, các nhà khoa học đại học London, Anh, tiến hành khai quật địa điểm này trước khi một kế hoạch xây dựng nhà ở bắt đầu. Hài cốt người phụ nữ là một trong số gần 2.000 ngôi mộ được phát hiện tại nghĩa địa, với nhiều kiểu mai táng khác nhau như quấn trong vải liệm, trong quan tài hay ngôi mộ gạch.

Tử cung hóa đá 200 tuổi nặng 3kg ở Anh
Tử cung vôi hóa có kích thước to lớn nằm ở khung xương chậu hài cốt người phụ nữ. (Ảnh: Ancient Origins).

Các nhà khoa học ước tính, tử cung vôi hóa có niên đại ít nhất 200 năm. Hiện chưa rõ liệu sự phát triển của nó có góp phần dẫn tới cái chết của người phụ nữ này hay không.

Carolyn Rando, nhà nhân loại học pháp lý đại học London cho hay, đây là một trong những khối u lớn nhất từng được phát hiện về mặt khảo cổ học.

"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy khối u nào lớn như thế trước đây, các đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Chúng tôi rất phấn khích trước phát hiện này", bà nói.

Trong mô tả của Mental Floss, người phụ nữ mang khối u hóa đá ngoài 50 tuổi đã rụng hết răng và mắc chứng loãng xương khi qua đời, ước tính vào thế kỷ 17-19. Khối u tử cung vôi hóa có xuất phát chỉ là một vài khối u lành, thường được gọi là xơ tử cung, một loại u lành tính xuất hiện ở phụ nữ trong tuổi sinh sản với xác suất lên tới 40%. Trong hầu hết thời gian, khối u chỉ là các mô mềm thông thường. Tuy nhiên, khi phát triển quá lớn, chúng có thể vượt ra ngoài mạch máu và dần vôi hóa cứng lại.

Tử cung hóa đá 200 tuổi nặng 3kg ở Anh
Các nhà khảo cổ tiến hành khai quật tại khu nghĩa địa St Michael’s Lytton ở Chichester, đông nam nước Anh. (Ảnh: Centre for Applied Archaeology/UCL).

"Tôi có thể hình dung người phụ nữ này đã gặp nhiều vấn đề khi đi vệ sinh. Tôi không nghĩ bà ấy sẽ thoải mái khi có khối u giống như phải mang trong mình một bào thai đã đủ ngày tháng. Chắc chắn bà ấy biết được có điều gì đó không ổn", Rando suy đoán.

Song, vì người phụ nữ sống khá lâu trong khi khối u mất thời gian dài để phát triển, nhiều khả năng khối u không ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của bà, Rando nhận định.

Rando và các cộng sự đi tới kết luận này sau khi chụp cắt lớp và cắt khối u ra làm hai phần để nghiên cứu cấu trúc bên trong. Trong báo cáo đăng trên ấn bản tháng 9 của Tập san Y học cổ sinh vật bệnh học quốc tế, các nhà khoa học lần lượt loại bỏ nhiều nguyên nhân dẫn tới ca bệnh này, trong đó có cả khả năng về sự phát triển của một bào thai hóa đá, còn gọi là lithopedion.

Tử cung hóa đá 200 tuổi nặng 3kg ở Anh
Hình ảnh về một bào thai hóa đá, lithopedion, tồn tại trong cơ thể một phụ nữ suốt 55 năm. Trong thời gian mang bào thai hóa đá, người phụ nữ vẫn trải qua 5 thai kỳ không gặp vấn đề gì. (Ảnh: Wikipedia).

Đây là hiện tượng bào thai chết lưu trong thai kỳ và vôi hóa bên ngoài tử cung theo cơ chế phản ứng chống các vật thể ngoại lai, nhằm bảo vệ cơ thể người mẹ khỏi những mô chết từ bào thai. Theo Ancinet Origins, những phụ nữ mang bào thai hóa đá trong người thường vẫn sinh nở bình thường.

Theo VnExpress
  • 829