Lade được đưa vào ứng dụng trong y học Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị lade hiện đang được sử dụng tại các bệnh viện đều là những sản phẩm nhập ngoại với giá thành rất đắt.
Do không làm chủ được công nghệ, cho nên mỗi lần hỏng hóc phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, việc bảo hành sửa chữa vì thế rất mất thời gian và tốn kém.
Từ lâu Lade đã được đưa vào ứng dụng phổ biến trong y học. (Ảnh minh họa) |
Nhóm thực hiện cùng chủ nhiệm đề tài là kỹ sư Lê Thị Kim Dung đã chế tạo thành công bộ ba thiết bị lade trong ngành y gồm: lade CO2 phẫu thuật công suất 45W dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, da liễu, phụ khoa, trĩ, tiết niệu, tai mũi họng, thẩm mỹ...; lade HeNe trị liệu công suất 50mW ứng dụng rộng rãi ở nhiều chuyên khoa như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình, tim mạch...; lade bán dẫn hồng ngoại công suất 4,5W dùng rất hiệu quả trong phẫu thuật, châm cứu, chống viêm loét, nha khoa.
So với các sản phẩm hiện có trên thị trường, các thiết bị lade do nhóm đề tài chế tạo có thêm nhiều ưu điểm như: Thiết bị lade CO2-45W được thiết kế thêm bộ phận nối với camera kỹ thuật số, giúp tăng khả năng giám sát trường mổ và giảm thiểu tác dụng không mong muốn do lade gây ra.
Lade - một bước phát triển của khoa học. (Ảnh minh họa) |
Thiết bị lade HeNe 50mW được thiết kế thêm bộ phận hắt tia dùng để truyền và điều chỉnh tiết diện của chùm tia lade đến vùng cần điều trị của bệnh nhân, thay thế dây quang dẫn phải nhập ngoại với giá thành cao. Hơn nữa, bộ hắt chùm tia có ưu điểm hơn là thời gian sử dụng lâu, thích hợp điều trị cho người bệnh phải nằm cố định.
Kỹ sư Lê Thị Kim Dung cho biết: Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, cho nên các thiết bị ngoại nhập thường hay bị hỏng, chi phí cho mỗi lần sửa chữa rất cao. Vì vậy, ý tưởng nghiên cứu và làm chủ thiết bị, cải tiến cho phù hợp điều kiện khí hậu Việt Nam, góp phần thực hiện giảm giá thành thiết bị, giảm chi phí chữa bệnh....