Tuổi thơ sống trong nghèo khó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ

  •  
  • 1.072

Sự suy dinh dưỡng trầm trọngvà những tình trạng nghèo khổ khác mà trẻ em phải chịu đựng một thời gian khá lâu trong những năm đầu đời có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển trí tuệ của chúng khi lớn lên, theo kết quả của một cuộc khảo cứu mới.

Những trẻ em nào trải qua những hoàn cảnh như vậy trong thời gian hơn 6 tháng, sau khi ra đời có chỉ số thông minh IQ thấp hơn ở tuổi 11, mặc dù chúng đã thoát ra khỏi môi trường nghèo khó từ 7 năm trở lên, theo phúc trình của một toán nghiên cứu người Anh và Mỹ.

(Ảnh: mini-iq)

Toán nghiên cứu dựa vào những cuộc khảo sát 131 trẻ em Romania đã sống trong những hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn trong những viện nuôi trẻ em do nhà nước quản lý, cho tới khi chế độ Ceausescu bị lật đổ cuối thập niên 1980, và sau đó chúng trở thành con nuôi của những gia đình ở Anh Quốc và Canada.

Những trẻ em này được phân loại tùy theo lúc được nhận là con nuôi chúng ở tuổi trước 6 tháng, hoặc ở tuổi từ 6 tới 24 tháng, hoặc từ 24 đến 43 tháng - đã được so sánh với 50 trẻ em ra đời ở Anh Quốc và được các gia đình nhận là con nuôi khi chúng ở tuổi 6 tháng trở xuống.

Trong những cuộc nghiên cứu đã tường trình trước đây về trẻ em Romania - chúng thường vào sống trong những viện nuôi trẻ em khi còn là hài nhi sơ sinh - cho thấy rằng những đứa được nhận là con nuôi trước khi đầy 6 tháng thì có trí thông minh tương đương với những trẻ em ra đời ở Anh Quốc, trong khi những đứa được nhận là con nuôi ở tuổi trễ hơn thì có chỉ số IQ thấp hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thấy rằng đa số những trẻ em được nhận là con nuôi ở tuổi trễ hơn 6 tháng sẽ có thể “đuổi kịp” về sự phát triển trí thông minh khi chúng tới 4 hoặc 6 tuổi. Nhưng các nhà nghiên cứu muốn khảo sát xem sự đuổi kịp đó có thể vẫn được duy trì khi chúng lên 11 tuổi hay không.
Họ thấy rằng những trẻ em có chỉ số IQ thấp nhất ở tuổi 6 năm (thường là những đứa được nhận là con nuôi trễ nhất) tỏ ra rằng chúng “đuổi kịp” sự phát triển trí khôn ở tuổi từ 6 tới 11 năm.

“Những trẻ em bị ảnh hưởng nặng nhất tiếp tục đạt tiến bộ trong thời gian lâu dài, có thể đuổi kịp những đứa không bị ảnh hưởng trầm trọng như chúng”, Bác Sĩ Celia M. Beckett, thuộc King's College, ở London, Anh Quốc, nói với thông tấn Reuters.

Tuy nhiên, chúng và những trẻ em khác được nhận là con nuôi ở tuổi trễ hơn tiếp tục tỏ ra kém phát triển trí tuệ một cách đáng kể khi chúng lên 11 tuổi, Bác Sĩ Beckett và các đồng nghiệp nói trong bản phúc trình đăng trong đặc san Child Development.

Họ viết: “Ðối với những trẻ em được nhận là con nuôi, cửa sổ của cơ hội để phát triển trí tuệ có vẻ mở rộng hơn ở tuổi từ 6 tới 11 so với lúc 6 tuổi, nhưng tình trạng chậm phát triển kéo dài cho thấy rằng có những giới hạn.”

Tuy nhiên, những ảnh hưởng tai hại từ tình cảnh thiếu thốn chỉ hiển nhiên đối với những trẻ em đã sống trong những viện mồ côi từ 6 tháng trở lên. Không có “những ảnh hưởng có thể đo lường được” nơi những trẻ em sống trong những viện mồ côi dưới 6 tháng, các nhà nghiên cứu ghi nhận.

Một điểm đáng nói, những trẻ em trở thành con nuôi khi chúng ở tuổi từ 6 tháng trở lên thì có chỉ số thông minh thấp hơn 15 điểm so với những trẻ em trở thành con nuôi sớm hơn. Tuy, chỉ số IQ hầu như giống nhau đối với những trẻ em trở thành con nuôi trễ hơn, bất kể ở thời gian nào khi chúng ở tuổi trên 6 tháng tới 42 tháng.

Theo Bác Sĩ Beckett, “sống hơn 6 tháng trong một môi trường rất thiếu thốn là một yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ sau này, nhưng mức ảnh hưởng không gia tăng khi hoàn cảnh thiếu thốn kéo dài quá hai năm.”

Bà nói thêm rằng “các thầy giáo cần nên biết rõ về hậu quả lâu dài do hoàn cảnh thiếu thốn ở tuổi đầu đời của trẻ em gây ra, để đáp ứng với những nhu cầu giáo dục của chúng.”

Biểu đồ kiểm tra IQ

(Ảnh: iqtestnow)

Theo NguoiVietOnline
  • 1.072