Vách đá Bunda: Nơi tận cùng của thế giới?

  •  
  • 6.213

Vịnh Great Australian Bight phía nam nước Úc có một nơi gọi là đồng bằng Nullarbor. Với diện tích 270.000km vuông và kéo dài khoảng 1000km từ đông sang tây, đây được xem là miền đá vôi lớn nhất thế giới…

Khu vực này bằng phẳng đến mức 483km đường sắt đi qua đây hoàn toàn nằm trên một đường thẳng băng. Trên bề mặt của đồng bằng Nullbarbor có một số chỗ đất lún nhẹ và vết lõm, mỗi khi mưa xuống, những hạt nước mưa đọng lại nơi đây đã dần hòa tan một ít đá vôi; nhưng nhìn chung, đồng bằng này nhìn ngang hoàn toàn bằng phẳng và không có cây cối.

Vách đá Bunda: Nơi tận cùng của thế giới?

Điểm cuối cùng của đồng bằng Nullarbor chính là vách đá Bunda, một vách đứng dài 200km uốn quanh vịnh Great Australia Bight và là một kiến tạo ngoạn mục và vĩ đại thiên nhiên.

Vách đá Bunda tạo nên bờ phía nam của đồng bằng Nullarbor nằm rất xa vùng nội địa. Phần màu trắng nằm dưới mặt đáy của vách đá được gọi là Đá vôi Wilson Bluff – một phần của đáy biển có từ rất xa xưa khi Australia bắt đầu tách ra khỏi Nam Cực vào khoảng 65 triệu năm trước. Phần đá vôi Wilson Bluff này dày hơn 300m nhưng chỉ có phần trên của nó mới được thấy tại vách đá Bunda.

Phía trên Đá vôi Wilson Bluff là các tầng đá thủy tinh hay đá vôi có màu nâu, xám và hơi trắng với một số tầng chứa hóa thạch của các loài sinh vật biển bao gồm cả động vật thân mềm. Bề mặt của vách đứng này là một lớp cát cứng có từ khoảng 1,6 triệu đến 100 nghìn năm trước.

Vách đá Bunda: Nơi tận cùng của thế giới?

Vách đá Bunda cao từ 60 đến 120m, với tầm nhìn đẹp nhất là từ trên không; tuy nhiên, du khách cũng có thể nhìn thấy được nó từ đường cao tốc Eyre phía đông Eucla và phía tây của nhà nghỉ Nullarbor.

Đường cao tốc Eyre là đường chính nối liền hai miền tây và nam nước Úc. Tên của đường cao tốc này được đặt theo tên Edward John Eyre. Tháng 2/1841, Edward John Eyre cùng với John Baxter và 3 thổ dân khác đã rời khỏi cảng Fowlers, băng qua đồng bằng Nullarbor để đến Albany ở miền Tây Australia. Do thiếu nước uống và muôn vàn khó khăn khác, nhóm người này đã xảy ra xung đột, hai anh chàng thổ dân đã bắn John Baxter, và sau đó bỏ trốn. Edward John Eyre và người thổ dân còn lại tiếp tục cuộc hành trình và cuối cùng vào tháng 6/1841, họ đã hoàn thành được chuyến đi của mình. Vào đúng một thế kỉ sau, năm 1941, đường cao tốc Eyre được mở.

Vách đá Bunda: Nơi tận cùng của thế giới?

Trên đường cao tốc Eyre có 5 điểm chính có thể thấy được vách đá Bunda. Các vị trí này đươc đặt biển báo hiệu và có lối vào bằng sỏi. Tuy nhiên, vị trí ngắm ở phía tây nổi tiếng hơn cả bởi du khách còn có thể đi bộ đến một chỗ có đá lồi ra khỏi vách và vì vậy, vị trí này có tầm nhìn thuận lợi hơn.

Tại phía đông Vịnh Great Australia Bight, khách du lịch còn có thể ngồi hàng giờ đồng hồ ngắm nhìn cá voi miền Nam (Southern Right Whale) bơi lội bên dưới vách đá Bunda. Đây là một trong những loài cá voi lớn nhất thế giới, di cư từ Nam Cực đến vùng bờ biển phía nam của Australia để sinh con, và lưu lại đây trong vài tháng cho đến khi có voi con đủ lớn.

Theo ANTĐ
  • 6.213