Vai trò của ông bà trong gia đình

  •   2,52
  • 2.080

Khảo sát toàn quốc đầu tiên về mối quan hệ giữa thanh thiếu niên với ông bà cho thấy ông bà tham gia vào quá trình nuôi nấng cháu có thể đóng góp vào sự hạnh phúc và khỏe mạnh của cháu.

Công trình do Đại học Oxford phối hợp với Viện nghiên cứu giáo dục, London, thách thức một công trình trước đó cho rằng ông bà quá gắn bó với việc chăm sóc cháu có thể trở nên suy yếu và gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ.

Công trình này khảo sát bản câu hỏi từ 1.596 trẻ em, tuổi từ 11 đến 16 trên toàn nước Anh và xứ Wales, và các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn chi tiết với 40 trẻ có hoàn cảnh khác nhau. Một phát hiện quan trọng khác của công trình này là gần 1/3 bà ngoại chăm sóc cháu đều đặn thường xuyên, với khoảng 40% thỉnh thoảng giúp chăm sóc cháu.

Bản điều tra tiết lộ rằng ông bà thường dành nhiều thời gian gần gũi trẻ trong nhiều hoạt động hơn bố mẹ đi làm và sẵn sàng nói chuyện với cháu về bất kỳ vấn đề mà người trẻ thường gặp phải. Họ cũng thường liên quan đến việc giúp trẻ giải quyết các vấn đề riêng cũng như nói chuyện về các kế hoạch tương lai của trẻ.

Điều tra viên chính, Giáo sư Ann Buchanan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bố mẹ và trẻ em, Khoa công tác xã hội và chính sách xã hội tại ĐH Oxford, sẽ đưa ra những phát hiện của công trình này tại buổi họp thường niên của Hội Phụ huynh ở London vào ngày 4 tháng 6.

Ông bà dành khá nhiều thời gian cho việc chăm sóc cháu. (Ảnh: www.physorg.com)

Giáo sư Buchanan phát biểu “Chúng tôi ngạc nhiên trước mức độ chăm sóc mà ông bà dành cho trẻ và trong một số trường hợp họ đang lấp chỗ trống của các ông bố bà mẹ mê công việc. Phần lớn thanh thiếu niên thực sự chào đón mối quan hệ này. Điều đặc biệt thú vị là mối liên hệ mà chúng tôi phát hiện giữa ông bà có chăm sóc cháu và tình trạng của thanh thiếu niên. Sự gần gũi vẫn chưa đủ: chỉ có ông bà thực sự dành thời gian và cùng làm việc với trẻ mới có ảnh hưởng tích cực lên trẻ.”

Đồng nghiên cứu viên, Tiến sĩ Eirini Flouri, Viện nghiên cứu giáo dục, cho biết: “Chúng tôi phát hiện các mối quan hệ gần gũi giữa ông bà và cháu làm giảm tác động của những sự kiện tiêu cực như bố mẹ chia tay, vì chúng xoa dịu trẻ. Điều này nghĩa là điều tra trong tương lai nên tập trung hơn vào vai trò của ông bà trong việc phát triển tính kiên cường của thanh thiếu niên.”

Một loạt các yếu tố dự báo trước sự tham gia của ông bà trong việc nuôi nấng cháu bao gồm: sống trong khu vực không quá thiếu thốn, tiếp xúc thường xuyên và sức khỏe tốt của ông bà. Thanh thiếu niên được khảo sát không xem khoảng cách địa lý là quan trọng vì họ giao tiếp bằng công nghệ hiện đại. Họ cho biết họ cảm thấy ông bà gần gũi hơn khi ông bà đảm đương một số nhiệm vụ của bố mẹ.

Công trình này cũng cho thấy đôi khi gia đình đổ vỡ hoặc chia ly thì nhiều ông bà đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại sự ổn định cho cháu. Ông bà có vai trò rất quan trọng trong thời điểm gia đình gặp khó khăn và thường là người giúp cả gia đình vượt qua.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng vì vai trò của ông bà gần như vô hình trong chính sách gia đình của Anh quốc, chính phủ cần phải xem xét lại áp dụng chính sách cho vai trò có tích cực và ủng hộ thêm cho mối quan hệ đan xen các thế hệ quan trọng này.

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 2,52
  • 2.080