Vật lý cơ học của ta đi trước thời đại

  •   44
  • 5.617

"Có những sai sót trong sách vật lý cơ học. Lý thuyết dạy một đằng nhưng trên thực nghiệm ra kết quả một nẻo". Suốt 46 năm, anh công nhân Nguyễn Văn Thường đã đi qua nhiều viện nghiên cứu, trung tâm khoa học để bảo vệ lý thuyết mới của mình. Cuối cùng, lý thuyết này cũng đã được in vào sách Vật lý 10 dạy riêng cho học sinh giỏi Việt Nam.

Khám phá đánh động làng khoa học

Tôi có nghe nói ông phát hiện ra sách vật lý cơ học từ phổ thông đến đại học, cao học đều sai lầm?

Năm 1965, tôi được nhà máy Dệt len mùa đông cử đi học tại Đại học Bách khoa để về làm kỹ thuật phục vụ nhà máy. Tại giảng đường, khi giáo sư Nguyễn Trường giảng dạy về bộ môn Cơ học thì tôi thấy hàng loạt các kiến thức cơ học phổ thông và đại học trái ngược với hoạt động của máy móc tại nhà máy Dệt len mùa đông nên tôi bắt đầu lao vào nghiên cứu.

Đúng như Bác Hồ đã nói, học phải đi đôi với hành nên năm 1968 tôi nghiên cứu phát hiện của mình, thực nghiệm kỹ và gửi cho Ủy ban Khoa học Nhà nước. GS.VS Trần Đại Nghĩa, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước lúc đó đã nhiệt liệt ủng hộ, tổ chức hội thảo để bàn về lý thuyết của tôi.

"Tổ chức hội thảo để bàn" - Phát hiện đó quan trọng vậy sao?


Ông Nguyễn Văn Thường

Cái quan trọng nhất là phát hiện của tôi đem lại ích lợi cho cuộc sống. Trong nhà máy có cơ cấu biên maniven, tôi thấy khi góc anpha tăng lên, lực dọc biên giảm dần, vậy mà sách dạy góc anpha tăng lên lực dọc biên tăng dần, 2 kết quả trái ngược nhau 1800. Khi anpha tăng, lực dọc biên giảm đến 0 trong khi giáo trình lại dạy tăng tới vô cùng.

Nếu tính toán như vậy máy sẽ không thể hoạt động được. Trong xây dựng nhà cửa, cầu cống, theo quan sát của tôi, khi anpha giảm nhỏ tới 0, lực kéo nén các thanh sẽ tiến tới 0, bù lại lực uốn tiến đến cực đại bằng P. Trong khi đó giáo trình lại dạy rằng, lực kéo nén tiến đến vô cùng và không có uốn. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây đến sụp đổ cầu cống, nhà cửa mà không tìm ra nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Thường sinh ngày 23/12/1943. Ông đặc biệt đam mê nghiên cứu khoa học. Vì say mê khoa học nên không một ngày ông lo lắng cho cơm áo gạo tiền của gia đình. Nhờ người vợ tần tảo mà ông có tiền để mua thiết bị, làm thực nghiệm, đi khắp các viện khoa học chứng minh lý thuyết của mình đúng. Cũng nhờ làm thí nghiệm, ông đã đưa ra cải tiến quan trọng cho máy dệt khiến các loại quần len, áo len không bị bai, cải tiến này giúp gia đình ông tạo dựng được một sản nghiệp lớn nhưng ông lại là người chưa bao giờ biết điều đó

Phát hiện của ông có thuyết phục được các nhà khoa học?

Tại hội thảo, tất cả đại biểu đều không ai đưa ra được lý thuyết nào để bác bỏ tài liệu và thực nghiệm của tôi. Nhưng cái khó đối với các nhà khoa học là không thể nói "sách của Anh, Pháp, Mỹ, Nga" sai? GS Phạm Huyễn đã mời tôi đến Đại học Tổng hợp làm việc nhiều buổi và cũng không dám khẳng định nghiên cứu của tôi đúng. Sau đó, tôi được làm việc với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS giới thiệu tôi đến với các nhà khoa học của Bộ Giáo dục, trong đó có PGS Vũ Quang, Tô Giang, Dương Trọng Bái... PGS Vũ Quang là người hoàn toàn ủng hộ các quan điểm của tôi.

Thế giới phải xem xét lại

Bộ Giáo dục có "ghi nhận" nghiên cứu của ông không?

Có. Các bài tập minh họa trong sách Vật lý 8 hệ 10 năm đã được Bộ Giáo dục loại bỏ không dạy nữa và thay bằng một loạt các bài toán mới trong sách Vật lý 10 phổ thông hệ 12 năm. Hiện tôi còn giữ được văn bản này của PGS Vũ Quang và VS Nguyễn Văn Hiệu.

Hiện nay thì sao, nghiên cứu đó có còn chứng minh được tính đi trước của nó?

Ngày 15/1/2011, nhà giáo Tô Giang, chủ biên của cuốn sách vật lý dạy cho học sinh giỏi lớp 10 có thông báo ý tưởng của tôi đã được in vào sách bồi dưỡng học sinh giỏi vật lý phổ thông cơ học 1, giảng dạy cho học sinh giỏi THPT trên toàn quốc. Tôi rất vui. Theo quy tắc giải của sách do nhà giáo Tô Giang biên soạn sẽ làm cho hàng nghìn, hàng vạn bài toán suốt từ trung học đến đại học và cao học phải được giảng giải lại với kết quả ngược nhau 1800. Tôi có thể nói kiến thức cơ bản về phân tích lực mà nhà giáo Tô Giang đã đưa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông trung học Việt Nam đã làm hàng loạt các nguyên lý, định luật của cơ học trên toàn thế giới phải đưa ra xem xét lại.

Thế giới phải xem xét lại ư?

Tôi nghĩ, tư duy khoa học của loài người luôn luôn có sự thay đổi, không có cái gì là đúng vĩnh viễn. Nếu chúng ta mạnh dạn đưa kiến thức mới, đúng đắn vào giảng dạy cho đại học và cao học thì chúng ta sẽ tiến xa hơn thế giới một bước lớn.

Nếu lý thuyết của ông là đúng thì liệu sẽ có một cuộc cách mạng trong cơ học cổ điển và nhiều nguyên lý cơ học mang tên Việt Nam không?

Đúng quá đi chứ. Trong khoa học không có con đường riêng cho vua chúa và các cường quốc. Khoa học sẽ sáng tỏ khi được thực nghiệm chứng minh. Lý thuyết của tôi đã được thực nghiệm chứng minh và không ai bác bỏ được. Sách vật lý mới của ta đã đi trước thế giới một bước khá xa. Các nhà khoa học trong và ngoài nước muốn tìm hiểu kỹ về công trình nghiên cứu này xin vào trang: www.youtube.com kênh nns2508 với tiêu đề: "Vật lý sai lầm?". Tài liệu này cũng đã được lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam với tiểu đề: "Những phát hiện mới về vật lý và cơ học có liên quan đến một số giáo trình cơ bản tại Hà Nội Việt Nam". Nhiều nhà khoa học cho rằng, công trình nghiên cứu khoa học này có liên quan đến màu cờ sắc áo của dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Bài toán biên maniven trong sách đại học lực dọc biên F = P.cos(anpha). Trong khi nếu giải theo sách phổ thông và đại học hiện nay F = P/cos(anpha) nhưng công thức P.cos(anpha) lại được thực nghiệm chứng minh là đúng. Đây là một trong các bài toán được tôi phát hiện qua thực nghiệm tại nhà máy Dệt len mùa đông.

Với cách giải của nhà giáo Tô Giang tổng lực P là đường huyền của tam giác vuông lực nên không bao giờ phân lực F1 và F2 lại lớn hơn tổng lực trong khi đó nếu giải theo hình bình hành của sách phổ thông và đại học hiện nay thì phân lực lại có thể lớn hơn tổng lực. Điều này chỉ đúng khi tổng hợp lực.

Ông Nguyễn Văn Thường

Theo Bee.net
  • 44
  • 5.617