Vết sẹo trên rốn khủng long cách đây 130 triệu năm khiến các nhà khoa học sửng sốt

Phát hiện rốn khủng long trong hóa thạch 130 triệu năm
  •  
  • 578

Hóa thạch khủng long Psittacosaurus được lưu giữ đặc biệt tốt, hé lộ vết sẹo rốn dài trên bụng tương tự như cá sấu ngày nay.

 Ảnh phục dựng 3D về khủng long Psittacosaurus nằm trên đất, phơi bày vết sẹo rốn dài.
Ảnh phục dựng 3D về khủng long Psittacosaurus nằm trên đất, phơi bày vết sẹo rốn dài. (Ảnh: Jagged Fang Designs)

Các nhà khoa học tìm thấy chiếc rốn cổ xưa nhất từng ghi nhận trong hóa thạch khủng long Psittacosaurus (giác long két) sống cách đây khoảng 130 triệu năm tại Trung Quốc. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí BMC Biology hôm 7/6. Vết sẹo không bắt nguồn từ dây rốn như ở động vật có vú, mà từ túi noãn hoàng của sinh vật đẻ trứng này.

Ngày nay, nhiều loài rắn và chim mất sẹo rốn trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi trứng nở. Một số sinh vật khác, ví dụ cá sấu trưởng thành, lại mang sẹo rốn suốt đời. Vết sẹo rốn của khủng long Psittacosaurus giống với cá sấu hơn. Nó tồn tại ít nhất cho đến khi khủng long trưởng thành về mặt sinh dục, thậm chí có thể sau đó một thời gian dài nữa.

Đây là ví dụ đầu tiên về rốn ở một loài khủng long không phải chim sống trước Đại Tân Sinh (diễn ra từ khoảng 66 triệu năm trước cho đến nay). Phát hiện mới không đồng nghĩa mọi loài khủng long trên cạn đều có sẹo rốn tồn tại lâu dài, nhưng khả năng này vẫn có thể xảy ra.

Ảnh laser chụp sẹo rốn của khủng long Psittacosaurus và ảnh cận cảnh những chiếc vảy.
Ảnh laser chụp sẹo rốn của khủng long Psittacosaurus và ảnh cận cảnh những chiếc vảy. (Ảnh: BMC Biology/Phil Bell và các cộng sự)

"Mẫu vật Psittacosaurus này có lẽ là hóa thạch quan trọng nhất mà chúng tôi có để nghiên cứu da khủng long. Nó vẫn tiếp tục mang đến những điều bất ngờ mà chúng tôi khám phá được nhờ công nghệ mới, ví dụ như chụp ảnh laser", nhà cổ sinh vật Phil Bell tại Đại học New England, Australia, cho biết.

Hóa thạch khủng long Psittacosaurus mang tên SMF R 4970, được tìm thấy ở Trung Quốc vào năm 2002. Nó được bảo tồn đặc biệt tốt, lưu giữ những chiếc vảy riêng lẻ, chùm lông đuôi dài và lỗ huyệt đầu tiên từng phát hiện ở một loài khủng long không phải chim. Khủng long trở thành hóa thạch trong tư thế nằm ngửa, phơi bày mọi chi tiết với giới khoa học.

Sử dụng phương pháp chụp ảnh laser, các nhà nghiên cứu xác định được sự thay đổi về da và vảy ở rốn khủng long, vị trí cho thấy túi noãn hoàng được khủng long con hấp thụ. Tương tự dây rốn, túi noãn hoàng cung cấp oxy và dưỡng chất cho phôi thai đang phát triển trong trứng. Một bộ phận khác gọi là túi niệu cũng kết nối với phôi thai để thu gom chất thải bên trong trứng. Trước khi một con vật nở ra, những đường liên kết này bị bịt kín, để lại vết sẹo dài.

Giới nghiên cứu từ lâu đã đặt giả thuyết rằng khủng long đẻ trứng sẽ có một vết sẹo như vậy, nhưng đây là bằng chứng đầu tiên chứng minh cho điều đó. Hóa thạch mô mềm ở khủng long rất hiếm, và SMF R 4970 mang đến hình ảnh chưa từng có về vết sẹo giống chiếc cột mỏng với các cặp vảy ghép lại trên bụng.

Kích thước bình thường và mép nhẵn của những chiếc vảy cho thấy vết sẹo không phải do thương tích hay bệnh tật. Thay vào đó, sự tương đồng với cá sấu cho thấy đây là một chiếc rốn.

"Chúng tôi xác định được những chiếc vảy đặc biệt bao quanh một vết sẹo dài ở mẫu vật khủng long Psittacosaurus, tương tự như một số loài thằn lằn và cá sấu hiện đại. Chúng tôi gọi loại sẹo này là rốn, và ở người thì nó nhỏ hơn. Mẫu vật này là hóa thạch khủng long đầu tiên còn lưu giữ rốn nhờ tình trạng bảo quản đặc biệt tốt", nhà cổ sinh vật Michael Pittman tại Đại học Trung văn Hong Kong cho biết.

Cập nhật: 16/06/2022 VnExpress
  • 578