Vì sao sẹo tồn tại vĩnh viễn?

  •  
  • 252

Mô sẹo có cấu tạo khác biệt so với da thông thường, do đó không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Sẹo có đủ hình dạng, kích thước và màu sắc, là kết quả từ quá trình hồi phục tự nhiên của da sau tổn thương, bất kể do phẫu thuật, nhiễm trùng, thương tích hay sự phát triển nhanh chóng của cơ thể, theo Live Science. Sẹo đóng vai trò quan trọng, cho phép cơ thể thay thế mô đã mất hoặc biến dạng.

Vùng da bị sẹo có nhiều khác biệt với da xung quanh
Vùng da bị sẹo có nhiều khác biệt với da xung quanh. (Ảnh: Ạthletico)

Da bao gồm 3 lớp chính. Lớp da ngoài cùng gọi là biểu bì là lớp mỏng nhất, bao gồm nhiều lớp tế bào phẳng mang tên tế bào biểu mô, tạo thành áo giáp bảo vệ cơ thể trước tác động bên ngoài. Bên dưới biểu bì là chân bì, mạng lưới lớn hình sợi gồm các protein collagen và elastin, giúp hỗ trợ kết cấu và độ đàn hồi của da. Cuối cùng, hạ bì là lớp da sâu nhất, chứa mô chất béo dùng để cách nhiệt cơ thể, che chắn các mô khỏi tổn thương.

Nếu bạn chỉ bị tổn thương biểu bì như phần lớn trường hợp cháy nắng, lớp da ngoài cùng này sẽ bong ra, để lộ các lớp da nguyên vẹn ở sâu hơn. Nhưng nếu tổn thương sâu tới hạ bì, cơ thể sau đó sẽ chữa lành mô bị phá hủy. Một lớp vảy hình thành để bịt kín vết thương, sau đó cơ chế viêm kích thích quá trình chữa lành. Tiếp theo, da bắt đầu khôi phục mô bên trong vết thương và tạo ra sẹo trong quá trình đó.

Ở da bình thường, mạng lưới sợi collagen của hạ bì giống như một mảnh vải dệt cẩn thận theo kiểu mẫu trơn nhẵn, bác sĩ Damon Cooney, phó giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh hình ở Johns Hopkins Medicine. Nếu một thương tích làm rách "lớp vải" này, cơ thể sẽ tạo ra sợi collagen mới để lấp đầy bất kỳ chỗ trống nào. Tuy nhiên, thay vì dệt những sợi mới với nhau phủ lên vết thương, cơ thể chất đống chúng thành một mớ lộn xộn. Sự tích tụ collagen vô tổ chức này tạo thành phần lớn mô sẹo, khiến nó trông rất khác biệt và kém dẻo dai hơn da thông thường.

Mô sẹo cũng khác biệt với da lành lặn ở chỗ không chứa bất kỳ nang lông nào hoặc tuyến mồ hôi. Ở người da sáng màu, sẹo ban đầu có màu hồng hoặc đỏ, nhưng theo thời gian, màu sắc này sẽ nhạt đi và vết sẹo trở nên sáng màu hoặc tối màu hơn so với màu da thông thường. Sẹo của người da tối thường giống những đốm sẫm màu.

Đôi khi, cơ thể tiếp tục tích tụ collagen bên trong mô sẹo lâu hơn bình thường, tạo ra sẹo lồi hoặc sẹo phù đại. Đây là những loại sẹo dày nhô lên có màu đỏ, hồng hoặc tía, hay sẫm hơn màu da. Sẹo lồi lớn hơn vết thương ban đầu trong khi sẹo phì đại có cùng kích thước. Thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai nhiều khả năng phát triển sẹo phì đại hơn các nhóm khác, có thể do thay đổi hormone tăng cường phản ứng viêm trong cơ thể. Sẹo lồi phổ biến hơn ở người có tông da sẫm, có thể do yếu tố di truyền.

Sẹo có thể mờ đi theo thời gian khi sợi collagen lộn xộn bên trong bắt đầu phẳng dần và trở nên trơn nhẵn, theo Cooney. Quá trình này có thể kéo dài 6 - 18 tháng. Mức độ mờ sẹo phụ thuộc vào kích thước, vị trí và loại sẹo. Tuy nhiên, sẹo không bao giờ biến mất hoàn toàn do mô sợi lộn xộn vẫn khác biệt với vùng da xung quanh.

Cập nhật: 26/07/2024 VnExpress
  • 252