Vì đâu Võ Tắc Thiên tru di cả họ vị trung thần một lòng phò tá bà?

  •  
  • 2.909

Cách đây 1300 năm trước, Diêm Thức Vi, một đại trung thần có công phò tá Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng hậu và trở thành nữ hoàng đế đầu tiên của triều đại phong kiến Trung Hoa, đã chịu cảnh tru di cả dòng họ một cách thảm khốc.

Bí mật động trời này mới được phát hiện sau khi người ta khai quật được mộ của gia đình ông ở thành phố Tây An, Trung Quốc.

Ẩn mình trong một hang động, ngôi mộ của Diêm Thức Vi chứa hài cốt của ông lẫn người vợ ông. Trên phiến đá bia còn khắc chữ ghi chép lại cuộc đời của từng thành viên trong gia đình ông, cũng như chính sự nghiệp thăng trầm lên xuống rất đỗi trái ngang của viên tướng hết lòng phụng sự Võ Tắc Thiên này.

Quá trình thống nhất thiên hạ của Võ Tắc Thiên

Võ Tắc Thiên, trị vì từ năm 690 đến năm 705.
Võ Tắc Thiên, trị vì từ năm 690 đến năm 705. (Ảnh: Public Domain).

Sau khi Vua Đường Cao Tông băng hà vì tuổi cao sức yếu, hoàng hậu Võ Tắc Thiên với uy tài của mình đã giành lấy ngôi báu và cai trị đất nước vào năm 690 sau Công Nguyên. Từ chỗ chỉ là một phi tần trong cung, Võ Tắc Thiên đã được phong làm Thiên hậu trước khi từng bước trở thành Nữ hoàng đế đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử phong kiến 4000 năm của Trung Quốc. Chính nhờ bà mà nhà Chu được lập nên, tuy rằng triều đại này chỉ tồn tại vỏn vẹn 15 năm.

Những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ hé mở một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng. Sau cái chết của Đường Cao Tông và ngay sau đó là Võ Tắc Thiên tuyên bố nhiếp chính cùng với con trai mình là Duệ Tông, không phải bất cứ ai cũng đều hưởng ứng và tán thành với cách sắp đặt đó. Từ Dương Châu, Lý Kính Nghiệp tỏ thái độ không phục khi dám làm phản, chống lại triều đình còn non trẻ của Võ Tắc Thiên.

Hình tượng binh sĩ được khắc họa trên bức tranh tường bên trong ngôi mộ của Lý Hiện
Hình tượng binh sĩ được khắc họa trên bức tranh tường bên trong ngôi mộ của Lý Hiện – con trai của viên tướng Diêm Thức Vi, sau này bị chịu cảnh đày ai – năm 706, hiện được trưng bày tại Càn lăng. (Ảnh: Public Domain).

Dưới thời loạn lạc ấy, Diêm Thức Vi chỉ là một vị tướng nhỏ nhưng đã tỏ rõ ý chí không quy thuận theo phiến quân phản loạn của Lý Kính Nghiệp. Thay vào đó, ông thề sẽ trung thành với Võ Tắc Thiên để chiến đấu bảo vệ kinh thành đến cùng.

Trên bia viết: "Ngài (ám chỉ Diêm Thức Vi) cố tình làm gãy tay để từ chối lời dụ dỗ của bè lũ phiến đảng, thể hiện ý nguyện trung thành tuyệt đối không gì lay chuyển được với triều đình".

Phiến đá bia mộ được tìm thấy trong khu mộ dòng họ nhà Diêm Thức Vi.
Phiến đá bia mộ được tìm thấy trong khu mộ dòng họ nhà Diêm Thức Vi. (Ảnh: Chinese Cultural Relics).

Nhờ có công lớn đánh bại kẻ thù, Diêm Thức Vi được đề bạt thành quan huyện Lăng Khê, tỉnh Mông Sơn và được phong tước đại thần. Tuy vậy, ông không thể ngờ rằng, đây chính là thời điểm đánh dấu quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời của mình về sau.

Quãng thời gian ngắn ngủi được hoàng thượng sủng ái của Diêm Thức Vi

Sau khi trở thành Hoàng đế, Võ Tắc Thiên tích cực củng cố quyền lực và đại thần Diêm dần trở thành cánh tay phải đắc lực của bà trong việc triều chính. Bất cứ mối đe dọa nào đến ngôi vương đều được vị tướng này giải quyết trong chốc lát, giúp cho nền thống trị nhà Chu được duy trì.

Trích tấm bia mộ cho biết: "Ngài là một người nghiêm khắc như sương sớm mùa thu, ấm áp như ánh nắng đông về, biết cách cảm hóa người khác, dạy họ cách tự hoàn thiện bản thân, từ đó thiết lập trật tự xã hội".

Diêm Thức Vi tiếp tục phụng sự Võ Tắc Thiên thêm 9 năm nữa, cho đến một ngày khi tai họa từ đâu bất chợt giáng xuống.

"Tuy không có chứng cứ rõ ràng nhưng người em trai của Diêm tướng quân là Diêm Trư Vi lại đem lòng tạo phản hoàng đế. Do bị kết tội đồng lõa nên Diêm Thức Vi cũng phải chịu chung hình phạt tru di dòng họ". "Tất cả các thành viên trong gia đình họ Diêm đều bị xử chém".

Ngoại trừ người vợ của Diêm tướng quân đã qua đời vào năm 691, tất cả những người khác đều bị đem ra hành hình. Đến khi chết, xác vị trung thần này vẫn bị chôn cất một cách vô cùng sơ sài, như thể đó là một hành vi thể hiện thái độ khinh thường, ngăn cản nghi thức an táng người chết theo đúng phong tục truyền thống.

Sau khi Võ Tắc Thiên bị phế truất bởi người con mà chính tay mình đày ải nhiều năm về trước, bà lâm bệnh và qua đời không lâu sau đó. Lúc này nhà Chu chính thức sụp đổ và nhà Đường được khôi phục lại. Điều này giúp cho thanh danh Diêm Thức Vi được minh oan và nghi thức an táng cho vị tướng quân này được tiến hành lại một cách trang trọng hơn, lần này ngài được chôn cất cùng với chính người vợ hiền của mình.

Khi khai quật được ngôi mộ của Diêm Thức Vi, phần lớn bộ hài cốt không còn gì sót lại, ngoại trừ những hiện vật được thu thập từ năm 2002, bao gồm một loạt những bức tượng nhỏ bằng gốm sáng bóng khắc họa những linh vật, tráng sĩ hay người gác mộ. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy được một mảnh gương bằng vàng, các phiến đá khắc chữ quý hiếm lẫn một chiếc mũ quan không còn lành lặn.

Di sản của Võ Tắc Thiên

Ngôi chùa cổ được xây dựng dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên.
Ngôi chùa cổ được xây dựng dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên.

Những gì Võ Tắc Thiên để lại cho đất nước Trung Hoa không chỉ dừng ở việc có công thống nhất giang sơn về một mối mà còn tạo ra nhiều tranh cãi liên quan đến tính cách tàn bạo và độc đoán của người phụ nữ này. Những vụ tru di cả dòng họ như trên diễn ra phổ biến dưới triều đại của Võ Mị Nương, một phần lý do là bởi bà muốn tiêu diệt bè phái chống đối thông qua hình phạt tử hình hay đày ải. Ngoài ra, Võ Tắc Thiên còn gián tiếp kiểm soát nền tôn giáo trong nước, rải truyền đơn để củng cố địa vị chính trị cũng như tập hợp một đội quân nội gián riêng chuyên để trừ khử những mối nguy hại có thể làm lung lay ngai vàng của mình.

Tuy vậy, xét một cách công bằng thì rất nhiều chi tiết trong các câu chuyện về Võ Tắc Thiên chỉ là lời kể truyền miệng của dân gian. Hiện, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận và bàn cãi về tính xác thực của những câu chuyện này.

Cập nhật: 14/08/2018 Theo Thời Đại
  • 2.909