Bia mộ của các vua chúa đều khắc chữ, tại sao tấm bia trước mộ Võ Tắc Thiên lại không đề dù chỉ 1 chữ?
Nói đến Võ Tắc Thiên, không thể không nhắc đến những năm tháng bà làm Nữ hoàng; nhắc đến Nữ hoàng, không thể không nhắc đến bia không chữ (vô tự bia) trước mộ Nữ hoàng.
Tấm bia vô cùng lớn, cao khoảng 8 mét, nặng khoảng 99 tấn. Nhưng điều khiến người ta thắc mắc chính là, trên một tấm bia đá lớn như vậy lại không có lấy một chữ, tạo nên sự đối lập rõ ràng với tấm bia khắc chi chít chữ ngay bên cạnh của Đường Cao Tông.
Vì bản thân Võ Tắc Thiên đã mang đậm yếu tố huyền thoại, cho nên mọi việc liên quan đến bà, người đời sau đều đem ra mổ xẻ phân tích. Thứ có một không hai như bia không chữ, tất nhiên không thể thoát khỏi sự mổ xẻ của mọi người.
Có một số người phỏng đoán tâm ý của Võ Tắc Thiên, đưa ra 3 cách giải thích cho tấm bia không chữ của bà
Thứ nhất, Võ Tắc Thiên cảm thấy công lao của mình quá lớn, văn bia dù dài thế nào cũng không thể kể hết công lao vĩ đại của mình;
Thứ hai, Võ Tắc Thiên cảm thấy tội nghiệt của mình quá nặng, cho nên không dám khắc tiểu sử của mình lên bia đá;
Thứ ba, Võ Tắc Thiên cố tình làm vậy, nhường lại phần đánh giá về mình cho người đời sau bình luận.
Thoạt nhìn, ba cách nói lưu truyền trong dân gian này đều có những lý lẽ riêng, nhưng thật ra đều có phần vô căn cứ, bởi tấm bia không chữ này được dựng lên sau khi Võ Tắc Thiên băng hà bởi Hoàng đế khi ấy là Lý Hiển.
Bia mộ của Võ Tắc Thiên.
Nếu bia không chữ không phải làm theo ý của Võ Tắc Thiên, vậy thì ba cách giải thích được nêu ra trước hiển nhiên đều không còn giá trị.
Nhưng theo lễ chế của Trung Quốc cổ đại, trước mộ của Hoàng đế không nên dựng bia mộ, bởi Hoàng đế là thiên tử, công lao của họ sao có thể dùng một văn bia bé nhỏ để kể lại?
Do đó, người có thân phận đặc biệt như Hoàng đế cũng không cần phải dựng bia mộ. Tại sao Lý Hiển lại làm trái lễ chế, dựng một tấm bia cao to cho mẹ mình?
Thật ra, người làm trái lễ chế là Võ Tắc Thiên. Sau khi Đường Cao Tông băng hà, Võ Tắc Thiên không hề tuân theo tiền lệ, còn dựng lên một tấm bia mộ cho Đường Cao Tông, phía trên khắc "Thuật thánh ký" do bà đích thân sáng tác cho chồng.
Cao Tông và Võ Tắc Thiên được hợp táng, Cao Tông có bia mộ, lẽ nào Võ Tắc Thiên lại không có? Vì vậy, Lý Hiển cũng đã dựng một tấm bia cho Võ Tắc Thiên.
Với Hoàng đế Lý Hiển mà nói, dựng một tấm bia mộ lớn dễ như trở bàn tay, nhưng viết gì lên bia lại không phải là chuyện đơn giản, bởi cuộc đời Võ Tắc Thiên tràn đầy mâu thuẫn.
Về tính cách, bà vừa hà khắc vừa ôn hoà. Với kẻ địch, bà ra tay độc ác; với đại thần, bà lại rất trọng tình cảm.
Về mặt chính trị, bà trọng dụng những viên quan hà khắc, trở thành một vết nhơ lớn trong lịch sử cầm quyền; nhưng bà cũng cải cách khoa cử, dùng đúng người đúng việc, tuyển chọn ra rất nhiều nhân tài.
Hình ảnh Võ Tắc Thiên trên phim và tranh vẽ.
Những đại thần thời Khai Nguyên (Đường Huyền Tông) như Diêu Sùng, Tống Cảnh đều được tuyển chọn vào thời Võ Tắc Thiên. Có thể nói, Võ Tắc Thiên đã đặt nền móng nhân tài cho thời kỳ thịnh trị Khai Nguyên.
Kết hợp nhiều yếu tố, Lý Hiển không hề biết nên đánh giá như thế nào về mẹ mình, chữ khắc trên bia Võ Tắc Thiên cũng bị trì hoãn hết lần này tới lần khác.
Tới tận khi Lý Hiển băng hà, ông cũng chưa làm xong văn bia cho Võ Tắc Thiên. Về sau Lý Đán, Lý Long Cơ lần lượt bước chân lên vũ đài lịch sử, việc làm văn bia cho Võ Tắc Thiên bị dẹp sang một bên, văn bia cũng bị bỏ mặc.
Vậy là bia không chữ đã được dựng phía trước Càn lăng, trở thành một biểu tượng lớn của Võ Tắc Thiên.
Trong lịch sử dài đằng đẵng của Trung Quốc, tại sao chỉ xuất hiện một nữ Hoàng đế? Điều này dĩ nhiên có quan hệ mật thiết với bối cảnh xã hội khi địa vị trong gia đình của phụ nữ thời Đường khá cao và cũng không tránh khỏi liên quan tới vận mệnh của Võ Tắc Thiên.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là tính cách của chính Võ Tắc Thiên đã đem đến tác dụng mang tính quyết định, bà muốn phá vỡ sự trói buộc của xã hội nam quyền, bà muốn chứng minh phụ nữ cũng có thể làm một Hoàng đế tốt, cũng có thể quản lý đất nước tốt.
Vài năm trước khi Võ Tắc Thiên xưng đế, có rất nhiều người phản đối bà, ví dụ như Từ Kính Nghiệp phát động nổi loạn ở Dương Châu, cha con Lý Xung, Lý Trinh dấy binh tạo phản.
Họ chưa bao giờ đưa ra được một lý do hoàn toàn khiến người ta tâm phục khẩu phục, chẳng qua xuất phát từ thành kiến đối với phụ nữ.
Nhưng chính sự phản đối của họ, chính thành kiến của họ đã khơi gợi sự bất khuất, bất phục, ý chí chiến đấu trong lòng Võ Tắc Thiên. Các người càng phản đối, ta càng phải khiến các người thất vọng, khiến các người phải thấy phụ nữ cũng có thể trở thành một Hoàng đế xuất sắc.
Quả thật, cả đời Võ Tắc Thiên cũng từng làm rất nhiều việc sai lầm, nhưng chúng ta không thể ác ý bóp méo hình tượng cũng như những đóng góp của bà chỉ vì giới tính.
Nhắc đến Võ Tắc Thiên, có lẽ trong đầu rất nhiều người sẽ nảy ra ngay cụm từ "lòng dạ độc ác". Nhưng thực tế không phải như vậy.
Theo quan điểm của Qulishi về Võ Tắc Thiên, bà là một Hoàng đế nhân từ, có tình người, bất khuất, ngoan cường, nhìn xa trông rộng và hoàn toàn có năng lực để làm một nữ vương.