Mọi người thường đánh giá giọng nói của bản thân hấp dẫn hơn giọng nói của người khác mặc dù họ không hề nhận ra điều này.
Theo một nghiên cứu mới của Đại học Albright tại Mỹ, con người đánh giá cao giọng nói của mình một cách vô thức, như một hình thức tự nâng cao bản thân.
Nghiên cứu được thực hiện với 80 đàn ông và phục nữ, được yêu cầu đánh giá mức độ hấp dẫn của các giọng nói trong nhiều bản ghi âm, thang điểm từ 0 đến 10. Các nhà khoa học bí mật thêm vào bản ghi âm giọng nói của người tham gia đánh giá, và họ hoàn toàn không biết điều này.
Bạn có thể trở thành ca sĩ của chính mình. (Ảnh: thecolumbusteam.com)
Kết quả là người tham gia đánh giá giọng nói của mình hấp dẫn hơn so với người khác đánh giá giọng nói của họ. Hơn nữa, người tham gia cũng đánh giá cao giọng của họ hơn so với giọng của những người khác, Science Daily cho biết.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân mọi người ưa thích giọng nói của bản thân có thể do xu hướng thích sự quen thuộc, hoặc như một cơ chế bảo vệ trầm cảm.
"Mọi người có xu hướng nâng cao nhận thức giá trị của bản thân. Thông thường mọi người sẽ nghĩ họ hấp dẫn hơn hay có nhiều phẩm chất tốt hơn họ thực sự có. Đây là một cơ chế để xây dựng lòng tự trọng nhằm chống lại bệnh trầm cảm", Susan Hughes, giáo sư tâm lý học cho biết.
Hughes rất ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu, bởi nhiều người cho biết họ không thích âm thanh trong giọng nói của mình khi được ghi lại qua các thiết bị ghi âm. Có một sự khác biệt về sinh học trong cách chúng ta nghe âm thanh giọng nói của mình so với nghe một bản ghi âm.
"Mọi người thường bực tức khi nghe giọng của mình từ máy ghi âm", Hughes nói.