Vị sa hoàng Nga khét tiếng thích lùng diệt, tra tấn quý tộc

  •  
  • 4.540

Ivan Khủng khiếp hay Ivan Bạo chúa là người độc ác khét tiếng, giết hại nhiều người trong đó cả con trai, nhưng vẫn được nhiều người dân cho là có chính nghĩa.

Ivan IV vị sa hoàng đầu tiên của Nga, còn được biết đến với cái tên Ivan Khủng khiếp hay Ivan Bạo chúa. Sở dĩ ông được gọi như vậy là vì sự độc ác khét tiếng, giết hại nhiều người trong đó cả con trai. Tuy nhiên, trong những năm tháng cầm quyền, Ivan IV cũng đạt được nhiều thành quả và cho đến nay, ông vẫn là một trong những vị lãnh đạo gây tranh cãi nhất nước Nga.

Tranh chân dung vẽ sa hoàng Nga Ivan Bạo chúa.
Tranh chân dung vẽ sa hoàng Nga Ivan Bạo chúa.

Tuổi thơ tủi nhục

Sinh ra ở Moscow vào ngày 25/8/1530, Ivan IV là con trai của Đại công tước (tương đương vua) Vasily III, người qua đời khi Ivan mới chỉ 3 tuổi. Sau đó, Ivan được tuyên bố là Đại Công tước Moscow theo yêu cầu của vua cha.

Ban đầu, mẹ của Ivan làm nhiếp chính, nhưng bà qua đời khi Ivan được 8 tuổi. Bà bị thay thế bởi một nhóm quý tộc tranh đấu quyết liệt để giành quyền lực.

Trước mặt công chúng, Ivan được các quý tộc tôn trọng. Nhưng khi trở về cung điện, ông thường bị bỏ mặc. Ivan lớn lên trong sự cô đơn và thường bị tầng lớp quý tộc giàu có nhục mạ. Nạn lạm dụng, bạo lực và giết người rất phổ biến trong cung điện thời đó. Người ta tin rằng tuổi thơ khốn khổ của Ivan dường như đã giải thích cho việc khi lớn lên, ông ghét bỏ tầng lớp quý tộc và tiến hành những cuộc đàn áp chống lại họ.

Ivan IV là người độc ác khét tiếng, giết hại nhiều người trong đó cả con trai.
Ivan IV là người độc ác khét tiếng, giết hại nhiều người trong đó cả con trai.

Sa hoàng đầu tiên của Nga

Thông minh và thích đọc sách, Ivan sớm mơ ước được nắm quyền lực to lớn, theo trang Russiapedia của hãng tin Nga RT. Năm 1547, khi 16 tuổi, ông được tôn làm sa hoàng Nga - người cai trị đầu tiên được nhận danh hiệu này.

Sa hoàng trẻ tuổi bắt đầu cải cách và hiện đại hóa đất nước. Ông sửa đổi luật pháp, tạo ra đội quân ưu tú và ban hành các chính sách tự quản tại vùng nông thôn. Trong giai đoạn này, tờ báo in đầu tiên của Nga cũng được ra mắt và nhiều tuyến thương mại mới được mở .

Ivan mong muốn nước Nga trở thành “cường quốc” về quân sự. Thời đó, quân đội Tatar của châu Âu và châu Á đang tàn phá vùng đông bắc nước Nga. Năm 1552, Ivan phá tan hai căn cứ chính của Tatar. Ông bắt đầu mở rộng lãnh thổ Nga vào Siberia, sát nhập số lượng lớn người Hồi giáo và biến Nga thành quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo.

Ivan IV cũng được ghi công vì đã cho xây dựng Nhà thờ thánh Basil nổi tiếng (hiện đang ở Quảng trường Đỏ) để tưởng nhớ chiến thắng quân Tatar. Nhà thờ kỳ vĩ là tác phẩm của hai kiến trúc sư - Postnik và Barma. Theo truyền thuyết, Ivan thích nhà thờ đến nỗi ra lệnh làm mù mắt hai kiến trúc sư. Ông không muốn họ xây dựng bất cứ điều gì giống nhà thờ này ở nơi nào khác.

Ivan IV cũng được ghi công vì đã cho xây dựng Nhà thờ thánh Basil nổi tiếng.
Ivan IV cũng được ghi công vì đã cho xây dựng Nhà thờ thánh Basil nổi tiếng.

Thay đổi nhân cách

Tuy nhiên, không lâu sau khi nhà thờ được xây dựng, cuộc đời Ivan chuyển sang trang mới. Tính cách và các chính sách của ông thay đổi toàn bộ. Năm 1553, ông mắc bệnh suýt chết và vài năm sau, người vợ yêu quý của ông, bà Anastasia, qua đời.

Nghi ngờ các quý tộc đã đầu độc Anastasia và âm mưu lật đổ ngai vàng, Ivan bắt tay vào chiến dịch đàn áp và giết hại tầng lớp quý tộc.

Đột nhiên, vào mùa đông năm 1564, Ivan bí mật rời Moscow, tuyên bố muốn thoái vị. Người dân lo sợ và kêu gọi ông trở lại. Sau những cuộc đàm phán kéo dài, Ivan đồng ý quay về nhưng với điều kiện riêng, yêu cầu quyền tuyệt đối được trừng phạt bất cứ ai ông cho là không trung thành.

Năm 1565, Ivan thành lập công cụ mới nhằm kiểm soát quyền lực, một hệ thống được gọi là Oprichnina. Theo Russiapedia, những thành viên của Oprichnina có thể được coi như là lực lượng cảnh sát đầu tiên của Nga.

Tranh minh họa đội cận vệ của Ivan Khủng khiếp.
Tranh minh họa đội cận vệ của Ivan Khủng khiếp.

Được Ivan đích thân lựa chọn, đội cận vệ của Ivan lan tỏa sự kinh hoàng trên khắp đất nước. Mặc quần áo đen và cưỡi ngựa đen, đội cận vệ mang đầu chó – biểu tượng thể hiện việc loại bỏ những kẻ phản bội và kẻ thù của sa hoàng - đi khắp nơi. Nổi tiếng với các màn tra tấn tàn ác, đội cận vệ hành quyết bất cứ ai không hài lòng với Ivan, tịch thu đất đai và của cải của họ. Do đó, Oprichnina là cú đánh mạnh vào tầng lớp quý tộc thời đó, khi chế độ quân chủ Nga ngày càng mạnh hơn bao giờ hết.

Một trong những chiến dịch khủng khiếp nhất của đội cận vệ là vụ thảm sát năm 1570 tại thành phố Novgorod giàu có. Nghi ngờ người dân nơi đây phản bội, Ivan đích thân lãnh đạo quân đội đến càn quét nơi đây. Thành phố bị tàn phá và hàng ngàn người bị sát hại, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Sự suy thoái của Ivan

Trong khi đó, bản thân sa hoàng Ivan cũng trở nên thất thường hơn. Giai đoạn này, từ một người nóng tính dễ cáu giận, thích tiệc tùng rượu bia, Ivan chuyển sang đam mê tôn giáo, thường xuyên cầu nguyện và đi ăn chay ở các tu viện xa xôi. Đây cũng chính là khoảng thời gian ông giết con trai Ivan Ivanovich của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về cách Ivanovich bị giết.

Theo Russiapedia, năm 1581, trong một cuộc tranh cãi dữ dội, Ivan vô tình giết con trai đầu lòng đồng thời là người thừa kế bằng cây giáo nhọn.

Trang Mad Monarchs mô tả sự việc một cách chi tiết hơn. Đầu tiên, Ivan đã đánh vợ có bầu của Ivanovich vì thấy cô ăn mặc không đứng đắn. Kết quả là, cô sảy thai. Ivanovich tranh cãi với cha khiến ông tức giận. Trong lúc giận giữ, Ivan cầm giáo lên, đâm vào đầu con. Ivanovich hôn mê vài ngày trước khi qua đời vì vết thương. Ivan IV đau đớn cực độ, liên tục đập đầu vào chiếc quan tài của con trai mình.

Tranh minh họa cảnh Ivan giết con trai.
Tranh minh họa cảnh Ivan giết con trai.

Cuộc sống tình cảm của Ivan cũng ngày càng lệch lạc khi ông liên tục đổi vợ, đôi khi cưới vợ mới ngay sau khi li dị. Không rõ chính xác Ivan có bao nhiêu vợ nhưng hầu hết các nhà sử học đều cho rằng ông kết hôn đến 7 lần.

Vào cuối đời, Ivan thường xuyên nóng giận và trở nên khó đoán. Theo trang Biography, khi sức khỏe yếu dần, Ivan bị ám ảnh bởi cái chết. Sa hoàng liên tục gọi phù thủy đến để giúp ông duy trì sức khỏe nhưng vô ích. Ngày 18 tháng 3 năm 1584, Ivan chết vì lên cơn đột quỵ. Ông truyền ngôi cho con trai Feodor, người đưa nước Nga vào thời kỳ hỗn loạn sau đó.

Mãi đến những năm 1960, khi xác của Ivan được khám nghiệm, các nhà nghiên cứu mới phát hiện lượng thủy ngân cao. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng ông có thể bị đầu độc, theo Russiapedia.

Vị sa hoàng gây nhiều tranh cãi

Vai trò của vị sa hoàng cầm quyền 37 năm hiện vẫn là chủ đề nhiều tranh cãi. Là một sa hoàng tàn bạo nhưng Ivan cũng là nhà thần học, diễn giả nổi tiếng và là một trong những người có giáo dục tốt nhất trong thời của ông.

Trong suốt cuộc đời, Ivan là người ham đọc và được tin là có bộ sưu tập gồm 800 bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp và La Tinh. Không rõ những gì xảy ra với thư viện của Ivan sau khi ông qua đời. Trong khi một số người tuyên bố số tài liệu này đã tiêu tan, người khác nói rằng chúng được giấu trong Điện Kremlin.

Tuy chiến dịch chống lại tầng lớp quý tộc Nga được nhận định là tàn bạo, nhiều người lại tin rằng đây là hành động chính nghĩa, giúp dẹp bỏ đội ngũ quý tộc quan lại thối nát.

Tranh minh họa sa hoàng Ivan và y tá của ông.
Tranh minh họa sa hoàng Ivan và y tá của ông.

Ngay cả biệt danh của Ivan cũng là một điều gây tranh cãi. Người Nga gọi ông là Ivan Grozny và từ grozny thường được dịch sang tiếng Anh là terrible (khủng khiếp). Tuy nhiên grozny thực chất có nghĩa là gây ra sự sợ hãi, đe dọa, kinh ngạc, chứ không hẳn là nham hiểm hoặc độc ác. Một số người tin rằng khi gọi ông là Ivan Gronzy, người dân Nga có ý là Ivan Đáng sợ hoặc Ivan Dữ dội.

Cập nhật: 08/12/2017 Theo Dân Việt
  • 4.540