Nhiều cuộc gặp mặt gia đình biến thành cuộc hỗn loạn khi những đứa trẻ lao vào cãi nhau chí choé. Nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy một số lý do cho những cuộc chành choẹ giữa anh chị em ruột và cách để mang lại hoà bình cho các nhà.
Cuộc cãi cọ giữa anh chị em trong nhà là điều không thể tránh khỏi. Chẳng hạn một đứa con gái thích xem một chương trình truyền hình mà chị của nó lại muốn xem kênh khác. "Đó chỉ là một dạng khác biệt rất đơn giản. Điều cơ bản là bạn không có được cái bạn muốn", Hildy Ross tại Đại học Waterloo nói.
(Ảnh: Girlhealth, VNE) |
Nghiên cứu do Ji-Yeon Kim tại Đại học bang Pennsylvania thực hiện đã phỏng vấn các ông bố bà mẹ, con cả và con thứ trong 200 gia đình lao động trung niên da trắng ở Mỹ. Những đứa trẻ tuổi từ 9 đến 17 trả lời các câu hỏi như: "Bạn thường tham khảo ý kiến của anh chị em ruột như thế nào?". Các nhà khoa học cũng hỏi cha mẹ về những xung đột trong gia đình và mức độ thân mật gần gũi.
Chị em gái có vẻ gần gũi hơn anh em trai, và với cả hai giới, sự bất hoà lên đỉnh điểm khi con cả 13 tuổi và con thứ khoảng 10 tuổi. Ở gia đình mà người mẹ có mối quan hệ gần gũi với các con thì các anh chị em cũng thân mật với nhau hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy sự thân mật giữa người cha và mẹ giảm thì các anh chị em lại gần nhau hơn. Khi người cha có cảm giác tích cực về cuộc hôn nhân và vợ mình, thì sự thân mật giữa các anh chị em lại giảm. Mối quan hệ trục trặc giữa cha mẹ cũng khiến các anh chị em nương tựa vào nhau nhiều hơn.
Theo các nhà khoa học, tìm ra cách để giải toả các cuộc xung đột là rất quan trọng bởi mối quan hệ máu mủ kéo dài cả đời. Để tìm hiểu, các nhà khoa học tại Đại học Waterloo đã thử nghiệm trên 64 cặp anh em. Họ yêu cầu những đứa trẻ từ 4 đến 12 tuổi này chọn một mâu thuẫn trong quá khứ và tìm ra cách hoà giải trong cuộc trao đổi kéo dài 10 phút.
Trẻ con chọn rất nhiều kiểu mâu thuẫn trong quá khứ như đánh nhau, lừa dối hay châm chọc, phá hoại tài sản của người khác và lấy đồ không xin phép.
Trong số những đứa tham gia, 42% thoả hiệp để đi đến giải pháp hài lòng cho cả hai, 23% đi đến một thoả thuận có lợi cho một bên. "Chúng không còn xung đột sâu sắc như hồi trước nữa. Chúng đã tìm lại được những tình cảm bị mất trước kia và đã biết lắng nghe nhau", nhà nghiên cứu Hildy Ross nói.
Nhóm nhận định việc ra lệnh và đòi hỏi ích kỷ sẽ không bao giờ dẫn tới thoả hiệp. Thay vào đó các cha mẹ nên cho các con nhìn lại những mâu thuẫn của mình và tập trung vào những lợi ích trong tương lai thì sẽ tìm ra cách thoả hiệp thành công hơn.
M.T.