Vì sao bệnh tăng huyết áp trẻ hóa?

  •  
  • 104

Bên cạnh yếu tố di truyền, lối sống không lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp ở nhiều người trẻ hiện nay.

Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế định nghĩa tăng huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Người bệnh được xác định cao huyết áp khi có huyết áp tâm thu lớn hơn 130 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 85 mmHg.

Tăng huyết áp được xem là "sát thủ thầm lặng" vì không có triệu chứng điển hình, nhưng theo thời gian, hàng loạt biến cố sức khỏe khác từ nhiều cơ quan như tim, mạch máu, não, mắt, thận... có thể xảy ra từ bệnh lý huyết áp này.

Trẻ hóa bệnh tăng huyết áp

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, thông thường, tăng huyết áp thường xuất hiện ở các bệnh nhân trên 45 tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo quan sát của ông, nhiều bệnh nhân mới 30 tuổi đã mắc căn bệnh này.

Nhiều người mới chỉ ngoài 30 đã mắc bệnh cao huyết áp do có lối sống không lành mạnh
Hiện nay, nhiều người mới chỉ ngoài 30 đã mắc bệnh cao huyết áp do có lối sống không lành mạnh, thường xuyên căng thẳng. (Ảnh: Pexels).

Tại một hội thảo về bệnh lý huyết áp diễn ra tại TP.HCM, bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Mỹ Nhung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết trước đây, tăng huyết áp thường được mệnh danh là "căn bệnh của người già" vì chỉ xuất hiện ở người cao tuổi (thường trên 55 tuổi).

Song, trong những năm gần đây, căn bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở những người trẻ do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Theo bác sĩ Nhung, bệnh cao huyết áp thường xuất hiện ở những người có thói quen ăn mặn, chế độ ăn thiếu kali, ít rau củ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động và thường xuyên căng thẳng.

"Hiện nay, rất nhiều người trẻ thường xuyên ăn thực phẩm đường phố chứa nhiều dầu mỡ, muối, đường, gia vị..., lười vận động dẫn đến thừa cân, từ đó gián tiếp gây ra bệnh tăng huyết áp", bác sĩ Nhung phân tích.

Theo thống kê của Bộ Y tế, người Việt hiện nay đang ăn khoảng 8-9 gr muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (5 gr muối/ngày). Đây là yếu tố gây bệnh cao huyết áp mà nhiều người thường bỏ qua.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trẻ liên tục gặp căng thẳng, thường xuyên sử dụng đồ có cồn, chất kích thích. Cuộc sống bận rộn cũng khiến họ ít vận động, rất dễ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp vì thế cũng tăng cao.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng huyết áp hoặc bắt nguồn từ các yếu tố vô căn.

Cách duy nhất phát hiện bệnh tăng huyết áp

Theo Kết quả điều tra Quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2021 của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính 20,2 triệu người Việt trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp với tỷ lệ 26,2% dân số. Trong số này, có tới khoảng 60% chưa được phát hiện và gần 70% chưa được điều trị.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Mỹ Nhung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tăng huyết áp không có triệu chứng đặc trưng nên rất nhiều người mắc bệnh này trong thời gian dài nhưng không biết cho đến khi khám bệnh hoặc xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.

"Cách duy nhất để phát hiện mắc bệnh là thường xuyên đo huyết áp tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế", bác sĩ Nhung chia sẻ.

Mọi người có thể nghi ngờ mình bị tăng huyết áp nếu liên tục ghi nhận tình trạng tâm thu trên 140 mmHg, huyết áp tâm trương trên 90 mmHg. Lúc này, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chuyên sâu và cho thuốc điều trị.

Bên cạnh đó, mọi người nên thiết lập lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học, tăng cường thể dục thể thao, không chất kích thích, hạn chế bia rượu. Điều quan trọng hơn là người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh cao huyết áp.

Cập nhật: 03/10/2024 Znews
  • 104