Vì sao chuột túi Wallaby mang thai suốt cả tuổi trẻ?

Loài động vật duy nhất thế giới luôn ở tình trạng mang thai suốt cả tuổi trẻ
  •  
  • 948

Chuột túi Wallaby có 2 tử cung, mỗi cái có buồng trứng và cổ tử cung riêng khiến nó có thể ở tình trạng mang thai suốt trong thời gian trưởng thành. Thậm chí, loài này có thể mang thai chỉ từ 1 - 2 ngày trước khi sinh một đứa con khác ở trong bụng.

Hầu hết các động vật có vú trên thế giới có thể mang thai nhiều lần trong suốt tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, đa số cần phải tạm dừng việc này một quãng thời gian sau mỗi lần sinh. Đối với một số loài thì mỗi cá thể cái chỉ có thể sinh một vài đứa con trong đời.

Nhưng chuột túi Wallaby - loài động vật có thể được tìm thấy khắp miền đông nước Úc thì khác. Theo nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 2/3 trên tờ Proceedings of the National Academy of Science (Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học quốc gia), loài động vật này thậm chí có thể thụ thai từ 1 - 2 ngày trước khi sinh đứa con khác trong bụng.

Brandon Menzies - đồng tác giả của nghiên cứu và cũng là nhà nghiên cứu của Đại học Melbourne cho biết: 'Giống như các loài thú có túi, chuột túi Wallaby sinh ra những đứa con nhỏ xíu. Những đứa con này bò đến một cái túi đặc biệt để bú sữa mẹ. Một số loài động vật có túi, ví dụ như chuột túi có thể giao phối và thụ thai khoảng 1 ngày sau khi sinh. Tuy nhiên, chuột túi wallaby là loài hiếm hoi trên thế giới có thể thụ thai 1 ngày trước khi sinh một đứa con khác ở trong bụng'.

Chuột túi Wallaby cùng với thỏ rừng châu Âu là những động vật duy nhất trên thế giới có thể mang thai một đứa con mới khi đang mang thai một đứa khác. Tuy nhiên, thỏ rừng châu Âu có mùa sinh sản riêng biệt và không mang thai liên lục trong hầu hết thời gian của tuổi trưởng thành. Chuột túi Wallaby thì có thể làm được điều đó.

Chuột túi Wallaby
Chuột túi Wallaby.

Nhà nghiên cứu Brandon Menzies cho biết thêm: 'Việc thụ thai mới trong quá trình đang mang thai là gần như không thể với động vật có vú. Hầu hết các động vật chỉ có 1 tử cung và khi một phôi thai đang phát triển thì không còn chỗ cho phôi thai khác nữa. Tuy nhiên, chuột túi Wallaby có 2 tử cung, mỗi cái có buồng trứng và cổ tử cung riêng nên việc thụ thai mới khi đang mang thai là điều chúng làm được dễ dàng'.

Theo các nhà nghiên cứu, chu kỳ sinh nở của một con chuột túi Wallaby cái là rất liên tục. Chúng thường giao phối vào tháng 1 và tháng 2, trước khi sinh đứa con đang mang thai trong bụng từ 1 - 2 ngày. Đứa con mới sinh sẽ chui vào túi của mẹ để được chăm sóc. Phôi thai mới được thụ tinh hay còn được gọi là phôi nang, bao gồm khoảng 80 - 100 tế bào sẽ vẫn ở trong tử cung, không hoạt động.

Trong khi đó, đứa con mới sinh sẽ tiếp tục được cho bú và dần lớn lên. Đến khoảng tháng 9, "em bé" này sẽ sẵn sàng rời khỏi túi mẹ. Đây cũng chính là khoảng thời gian trùng với mùa xuân ở nam bán cầu (Úc ở nam bán cầu) với những ngọn cỏ xanh mướt có ở khắp mọi nơi, tốt cho sự phát triển của những con chuột túi Wallaby con.

Khi đó, chuột túi Wallaby con sẽ ít cần sự chăm sóc của mẹ hơn và đến tháng 12 thì được cai sữa. Chuột túi Wallaby lúc này sẽ bắt đầu cho phôi thai trong trong tử cung mình hoạt động và 1 tháng sau đó thì nó lại đẻ chuột túi con mới. Trước khi đẻ, chúng lại thụ tinh phôi thai mới.

Các nhà nghiên cứu tìm ra quy đình đẻ con và mang thai của chuột túi Wallaby cái khi theo dõi  chúng trong suốt cả năm. Họ phát hiện ra rằng phôi nang của loài này không hoạt động ở 9/10 con sau khi giao phối và cả trong khi chúng có con nhỏ đang bú ở bụng mẹ.

Chuột túi Wallaby là loài chuột túi nhỏ, có ngoại hình giống Kangaroo nhưng kích thước nhỏ hơn. Chúng là động vật bản địa, có mặt ở khắp nước Úc, đặc biệt là tại miền đông.

Cập nhật: 04/03/2020 Theo vnreview
  • 948