Lần đầu tiên giải mã được DNA của loài chuột túi

  •  
  • 1.464

BBC ngày 19/8 đưa tin, trong bài báo đăng trên tạp chí Genome Biology của nhà xuất bản khoa học Biomed Central, một nhóm các nhà khoa học cho biết đã lần đầu tiên giải mã được DNA của một loài kangaroo và thậm chí còn xác định được một gen quy định những cú nhảy đặc trưng của loài này.

Nhóm trên đã tập trung vào một loài kangaroo nhỏ có tên Tammar Wallaby (Macropus eugenii), sinh sống trên hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam của Australia. Đây chỉ là loài thú có túi thứ ba được xâu chuỗi bộ gen. Hai loài còn lại là Tasmania devil thú có túi ôpôt Nam Mỹ.

Nhóm nghiên cứu cho biết bộ gen chuột túi đầu tiên được giải mã nói trên là một dấu mốc quan trọng trong hoạt động nghiên cứu quá trình tiến hóa của động vật có vú. Tổ tiên của kangaroo và những loài thú có túi khác tách ra khỏi các động vật có vú ít nhất 130 triệu năm trước.

Lần đầu tiên giải mã được DNA của loài chuột túi

Giáo sư Marilyn Renfree của trường Đại học Melbourne, nhà nghiên cứu chính của dự án, cho hay: "Dự án xâu chuỗi gen của Tammar Wallaby đã giúp chúng ta có thể hiểu được thú có túi khác chúng ta như thế nào."

Tiến sĩ Elizabeth Murchison, chuyên gia về thú có túi tại Viện Wellcome Trust Sanger ở Cambridge, Anh, mô tả công trình nghiên cứu này là “một công cụ tuyệt vời để tìm hiểu sự phát triển của thú có túi nói riêng và động vật có vú nói chung, và là một công trình ấn tượng nghiên cứu một trong những loài vật biểu tượng của Australia."

Bên cạnh việc xác định các gen quy định "những cú nhảy", các nhà nghiên cứu còn xác định chính xác các gen quy định những đặc điểm quan trọng khác của thú có túi. Ví dụ, con Tammar Wallaby con chỉ có kích cỡ bằng một hạt gạo khi mới sinh ra. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, chúng sống trong túi con mẹ và bú sữa.

Chiếc túi này nằm bên ngoài cơ thể con mẹ nên con con đang phát triển phải đối mặt với nhiều nguồn bệnh. Tuy nhiên, các kháng thể trong sữa con mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của con non mới ra đời.

Theo Vietnam+
  • 1.464