Vì sao con người hành động không nhất quán?

  •  
  • 1.178

Theo PNAS, các nhà khoa học ở Đại học hoàng gia London, Anh, đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao mọi người thường hay tỏ ra không nhất quán, khi hôm nay có thể đưa ra một quyết định nhưng vào ngày mai thì lại thay đổi hoàn toàn với một quyết định khác.


Trước khi ra quyết định, nếu não ở trạng thái nghỉ ngơi yên tĩnh thì chúng ta gặp nhiều nguy cơ thông qua một quyết định mang tính mạo hiểm - (Ảnh: CCO).

Nhà nghiên cứu Tobias Hauser chia sẻ rằng bộ não chúng ta liên tục trong trạng thái hoạt động, ngay cả khi chúng ta nghỉ ngơi không làm gì cả. Do đó, các nhà nghiên cứu quyết định tìm hiểu xem điều này ảnh hưởng như thế nào đến quá trình ra quyết định. Và rõ ràng, hành vi không nhất quán của chúng ta được giải thích một phần bởi hoạt động của bộ não chúng ta khi chúng ta nghỉ ngơi không làm gì. Các nhà khoa học đã mời 43 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.

Các tình nguyện viên được mời tham gia chơi trò đỏ đen. Họ cần phải lựa chọn giữa một giải pháp an toàn, nhờ đó họ sẽ giành được một số tiền nhỏ và một quyết định mang tính rủi ro, có thể mang lại một món tiền lớn hoặc trắng tay. Khi các tình nguyện viên chơi, các nhà khoa học liên tục theo dõi hoạt động não của họ. Đồng thời, các nhà khoa học sử dụng thiết bị chụp cộng hưởng từ để theo dõi hoạt động của vùng não trung gian (midbrain, mesencephalon), phần hệ thần kinh trung ương thuộc thân não, điều khiển các chức năng thị giác, thính giác, điều khiển vận động, ngủ/thức, kích thích cảnh giác và điều hòa thân nhiệt. Vùng não này chứa số lượng tế bào thần kinh dopamine tối đa, mà dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng đối với hành vi mang tính mạo hiểm. Bộ não con người cho thấy sự biến động (fluctuation) hoạt tính đáng kể ở khu vực não trong trường hợp không có sự kích thích bên ngoài (tức là khi con người ở trong trạng thái nghỉ ngơi).

Hóa ra, sự lựa chọn của những người tham gia nghiên cứu tùy thuộc phần lớn vào việc họ có được nghỉ ngơi trước đó hay không. Điều đó có nghĩa là trước khi đưa ra quyết định, nếu não ở trạng thái nghỉ ngơi thì con người ta gặp nhiều nguy cơ đưa ra những quyết định mạo hiểm.

Như vậy, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng hoạt động não nội sinh (endogenous brain activity) cung cấp một cơ sở sinh lý khiến hành vi phức tạp của con người thay đổi. Robb Rutledge, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, giải thích rằng dao động tự phát trong khu vực ra quyết định quan trọng của não khiến con người chúng ta rất khó lường và điều đó có thể giúp chúng ta thích nghi với một thế giới luôn luôn thay đổi.

Cập nhật: 30/08/2019 Theo motthegioi
  • 1.178