Bí ẩn tảng băng màu xanh ngọc nổi tiếng tại Nam Cực sắp có lời giải

  •   32
  • 1.944

Băng mà lại có màu xanh lục? Màu sắc này ở đâu ra vậy?

Ai cũng biết băng trôi thường xuất hiện với màu trắng hoặc xanh lam trên mặt biển. Vậy nên vào đầu thế kỷ 20, các nhà thám hiểm đã rất bất ngờ khi phát hiện những tảng băng có màu xanh lục (xanh lá cây) tại Nam Cực - một trong những vùng đất vẫn còn bí ẩn với loài người thời đó.

Tảng băng xanh tại biển Weddell năm 1985
Tảng băng xanh tại biển Weddell năm 1985.

Những tảng băng mang màu sắc đặc biệt này là thứ đã thu hút rất nhiều du khách và giới khoa học đến tìm hiểu trong hàng thập kỷ, nhưng bí mật đằng sau thì mãi vẫn chưa được tìm ra.

Dù vậy thì mới đây, các chuyên gia có vẻ như đã tìm ra câu trả lời rồi.

Hành trình đi tìm bí ẩn

Nhiệm vụ truy tìm nguyên nhân gây ra màu sắc bí ẩn của tảng băng đã bắt đầu từ năm 1988, trong chuyến thám hiểm Nam Cực của người Australia. Khi ấy, nhà khoa học sông băng Stephen Warren từ ĐH Washington đã trèo lên một tảng băng xanh để có cái nhìn rõ ràng hơn.

"Thứ gây ngạc nhiên nhất không nằm ở màu sắc, mà ở độ trong của nó. Bên trong không có bất kỳ bong bóng nào nổi lên," - Warren cho biết

"Những tảng băng bắt nguồn từ tuyết; và vì tuyết khi dồn quá nhiều sẽ trở nên quá nặng và nén lại, khiến không khí bên trong trở thành bong bóng. Và vì băng trôi có rất nhiều bong bóng, nên màu sắc của chúng thường sáng nhưng mờ đục."

Băng xanh lục thì khác. Chúng không có bong bóng bên trong, nên có thể không phải bắt nguồn từ các dòng sông băng như bình thường. Warren sau đó đã lấy một mẫu băng từ thềm băng Amery phía Đông Nam Cực để so sáng. Kết quả, băng xanh lục được tạo thành từ nước biển, không phải từ sông băng.

Chúng không có bong bóng bên trong

Nhưng kể cả là băng tạo thành từ nước biển, thì thông thường chỉ có màu trắng hoặc xanh lam hoặc có sọc bên trong. Còn màu xanh lục như vậy là rất hiếm.

Ban đầu, Warren nghĩ rằng nguyên nhân là do nước biển bị ô nhiễm, có thể chứa các hạt vi nhựa bên trong, hoặc xác động thực vật.

Tuy nhiên sau khi xét nhiệm, cả 2 loại băng đều có chung thành phần hữu cơ bên trong.

Phải đến thời gian gần đây, Warren mới đưa ra được một ý tưởng khác.

Mọi chuyện bắt nguồn từ nhà nghiên cứu hải dương học Laura Herraiz-Borreguero tại ĐH Tasmania, khi cô nhận ra lõi của thềm băng Amery có chứa hàm lượng sắt cao gấp 500 lần lớp băng phía trên.

Warren lúc này nảy ra ý tưởng rằng, phải chăng các oxide sắt đã biến một tảng băng màu xanh lam trở thành xanh lục? Và nếu đúng, lượng sắt ấy đến từ đâu, khi đây vốn là một nguyên tố khá hiếm trên các đại dương?

Ông cho rằng câu trả lời nằm ở cái gọi là "bột băng" - loại bột hình thành khi các tảng băng trôi trượt trên thềm băng. Các hạt băng giàu sắt vì thế đã chảy xuống các đại dương, trôi xuống dưới thềm băng, và rồi hình thành băng trôi màu xanh lục.

Phải chăng các oxide sắt đã biến một tảng băng màu xanh lam trở thành xanh lục

Nếu được xác nhận, đây là một phát hiện quan trọng để duy trì sự sống trên đại dương. Sắt là nguyên tố cần thiết đối với sinh vật sống. Nếu băng trôi đưa sắt từ Nam Cực xuống Nam Đại Dương, thì đây là quá trình quan trọng với sinh vật biển.

"Sắt là nguyên tố dinh dưỡng cần cho phù du tại Nam Đại Dương, nên các chuyên gia hải dương học luôn phải theo dõi nguồn sắt trong nước biển tại đây," - Warren cho biết.

"Các sinh vật phù du giống như lớp nền của chuỗi thức ăn tại vùng biển này. Chúng có thể quang hợp, loai bỏ CO2 ra khỏi nước, nên cũng cực kỳ quan trọng với hệ sinh thái toàn cầu. Khi khí hậu nóng lên, băng tan ra quá nhiều, cũng có nghĩa là băng trôi sẽ ít hơn, và ít sắt được chuyển đến đây hơn."

Để xác nhận giả thuyết, đội nghiên cứu đang thực hiện các phân tích kỹ càng hơn để đánh giá lượng carbon hòa tan theo độ sâu của nước, cũng như nồng độ sắt trong đó. Trong tương lai, chúng ta sẽ có những nghiên cứu chính xác hơn, và hãy chờ xem khoa học sẽ làm gì với nó.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Oceans.

Tham khảo: IFL Science

Cập nhật: 10/03/2019
  • 32
  • 1.944