Vì sao cùng bị xước tay mà người đau “thấu trời”, người khác chẳng thấy gì?

Giải mã về ngưỡng chịu đau của con người
  •  
  • 1.336

Tiết lộ một chút: ngưỡng chịu đau của từng người còn phụ thuộc vào... di truyền nữa đấy!

Đau vốn là một phản ứng tự nhiên của con người, nhằm báo hiệu rằng chúng ta đang gặp vấn đề gây tổn hại đến cơ thể và đòi hỏi sự can thiệp về y tế.

Nhưng bạn có để ý trường hợp khi hai người có cùng một chấn thương (chẳng hạn như va quẹt, trầy xước...) lại có phản ứng rất khác nhau hay không? Người thì đau đớn gào thét, người thì bình thản đứng dậy như không có gì xảy ra?


Pha ngã đầy "đau đớn" của Neymar tại World Cup 2018.

Loại bỏ lý do... giả vờ, thì sự khác biệt về ngưỡng chịu đau của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như tình trạng thể chất, tinh thần, loại chấn thương, tiền sử trước đó.

Nhưng đặc biệt, khả năng chịu đau còn phụ thuộc vào một yếu tố nữa cũng rất quan trọng mà không phải ai cũng biết. Đó là gene di truyền.

Khi gene chịu đau của từng người luôn có sự khác biệt

Ở bộ gene của loài người, có đến 10 triệu đơn vị là các gene đa hình nucleotide đơn (SNP - single nucleotide polymorphism). Các SNP kết hợp sẽ tạo nên sự khác biệt về mã di truyền của từng cá thể khác nhau.

Trong tổng số 94 loại gene SNP được tìm thấy, nhóm SCN9A chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát phản ứng của cơ thể khi có cảm giác đau.

Yếu tố di truyền chiếm khoảng 60% về ngưỡng chịu đau của từng cá nhân.
Yếu tố di truyền chiếm khoảng 60% về ngưỡng chịu đau của từng cá nhân.

Theo tính toán từ các chuyên gia, yếu tố di truyền chiếm khoảng 60% về ngưỡng chịu đau của từng cá nhân. Tức là khả năng chịu đau của các thành viên trong gia đình có liên quan đến nhau, tương tự như cân nặng, màu da và màu tóc.

Các thử nghiệm cho thấy có khoảng 5% dân số có khả năng chịu đau kém hơn bình thường. Nguyên nhân là vì một loại SNP bên trong SCN9A, mang tên 3312G>T. Đó là loại gene khiến cơ thể nhạy cảm hơn với đau đớn.

Ngoài ra, sự đa dạng về tín hiệu dẫn truyền cảm giác đau của từng người, từng cá thể cũng gây ảnh hưởng ít nhiều.

"Lý do đầu tiên phải kể đến đó là thụ thể tiếp nhận đau của từng người sẽ có những mức phản hồi khác nhau, liên quan tới yếu tố nhiệt hay cơ chế gây đau" - Gila Moalem-Taylor, bác sĩ kiêm giảng viên của ĐH New South Wales cho biết.

"Con đường dẫn truyền tín hiệu đau còn bị ảnh hưởng của loạt phản ứng điều biến (modulatory effects). Tác động này sẽ khiến mức độ đau tăng lên hoặc giảm xuống, tùy vào gene quy định thế nào".

Có khoảng 5% dân số có khả năng chịu đau kém hơn bình thường.
Có khoảng 5% dân số có khả năng chịu đau kém hơn bình thường.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục giải mã về cơn đau của con người. Mục đích không chỉ để chỉ ra sự đa dạng của từng cá thể, mà còn tìm ra được cách điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân dựa trên khả năng chịu đau của họ.

Cập nhật: 05/11/2018 Theo helino
  • 1.336