Vì sao đàn bà sống lâu hơn?

  •  
  • 1.927

Một gene giúp đàn ông có cơ thể to lớn hơn phụ nữ, nhưng lại làm giảm tuổi thọ của họ, các nhà khoa học Nhật Bản kết luận.

Các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp Tokyo (Nhật Bản) áp dụng kỹ thuật nhân bản vô tính để tạo ra chuột con mà không cần cá thể đực. Để làm được điều đó họ tác động vào ADN trong trứng chuột để thực hiện chức năng giống như ADN trong tinh trùng.

Nhóm nghiên cứu đưa ADN đã bị biến đổi vào trứng của hai con chuột cái trưởng thành để tạo phôi thai. Như vậy đàn chuột con không hề thừa hưởng bất kỳ gene nào của con đực. Chúng nhẹ và nhỏ hơn những chuột con thừa hưởng bộ gene từ cả bố và mẹ, song lại có tuổi thọ trung bình cao hơn 33%. Bên cạnh đó hệ miễn dịch của chuột "không bố" hoạt động hiệu quả hơn so với nhóm "có bố".

Các chuyên gia nhận thấy nhóm "có bố" mang một thứ mà nhóm kia không có. Đó là gene mang tên Rasgrf1. Gene này được truyền từ cơ thể bố sang con, song nó lại bị tắt trong cơ thể chuột cái và chỉ hoạt động ở chuột đực. Các nhà khoa học nhận định rằng Rasgrf1 làm tăng kích thước cơ thể con đực nhưng lại chẳng gây nên bất kỳ tác dụng nào với con cái.

Giáo sư Tomohiro Kono, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu: "Chúng ta biết rằng phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều loài động vật có vú khác. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nên xu hướng đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự khác biệt tuổi thọ ở giống đực và giống cái bắt nguồn từ gene, mà cụ thể là gene trong tinh trùng. Do không mang gene Rasgrf1 mà chuột cái có thân hình nhỏ hơn, song lại sống lâu hơn"

Cấu tạo bộ gene là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ có tuổi thọ cao hơn đàn ông. Ảnh: corbis.com.


Nhóm nghiên cứu nói rằng trong tự nhiên con đực phải cạnh tranh với nhau để giành cơ hội giao phối với con cái. Trong những cuộc chiến như vậy lợi thế thường thuộc về những con có thân hình to và khỏe. Vì thế các phần lớn dưỡng chất trong cơ thể con đực được dành cho cơ và xương. Ngược lại, cá thể cái có xu hướng để dành năng lượng cho việc mang thai và nuôi con. Vì thế mà cơ thể chúng nhỏ hơn con đực.

Mặc dù nghiên cứu được tiến hành với chuột, giáo sư Kono và cộng sự tin rằng kết quả của nó cũng đúng đối với mọi động vật có vú, trong đó có con người.

Tiến sĩ Allan Pacey, một chuyên gia về sinh sản động vật của Đại học Sheffield (Anh), nói: "Kết quả nghiên cứu của Đại học Tokyo rất đáng chú ý, song đây là vấn đề cần được tìm hiểu thêm. Chúng ta cũng không nên ảo tưởng rằng một ngày nào đó con người có thể kéo dài tuổi thọ bằng cách tác động vào gene".

Giáo sư Kay-Tee Khaw, một chuyên gia về lão hóa của Đại học Cambridge (Anh) cũng cho rằng kết quả nghiên cứu của nhóm Kono chưa chắc áp dụng được cho người.

"Khác biệt tuổi thọ theo giới tính ở người thay đổi theo thời gian và môi trường sống. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể giải thích khác biệt ấy bằng một gene duy nhất", Khaw nhận xét.

Theo VnExpress
  • 1.927