Vì sao giới tỷ phú tìm đến những trải nghiệm chết người?

  •  
  • 233

Trải nghiệm mạo hiểm làm tăng adrenaline và giống như những vật phẩm xa xỉ để các tỷ phú thể hiện bản thân.

Chưa đầy một giờ ngoài khơi bờ biển Greenland, Jules Mountain bắt đầu hoảng sợ. Khi đó, doanh nhân người Anh đang hoàn thành chặng thứ hai trong hành trình kéo dài 8 ngày để trở thành người đầu tiên lái trực thăng hạng nhẹ Bell 505 qua Đại Tây Dương.

“Tôi đã phải vượt qua sương mù đóng băng ở độ cao hơn 4.000 m, nếu không băng sẽ tích tụ trên các cánh quạt. Nhiệt độ -14 độ C khiến tôi phải thở hổn hển, và sau đó tôi nhận ra nhiên liệu chỉ còn đủ dùng trong 30 phút", Mountain kể lại hành trình đi trực thăng gần 6.500 km từ Montreal đến Guernsey.

Doanh nhân này cho biết đã chấp nhận thử thách khi biết chiếc trực thăng chỉ có thể bay hơn 560 km hay 3 giờ đồng hồ với mỗi lần tiếp nhiên liệu, và phải dừng tiếp nhiên liệu ở những vùng đất hoang băng giá ở Bắc Canada, Greenland và Iceland.

Càng nguy hiểm, càng hấp dẫn

“Tôi từng muốn leo núi ở Bắc Cực, nhưng hành trình đó quá dễ dàng, không đủ nguy hiểm, đội giải cứu có thể đến bất cứ lúc nào. Với thử thách bay qua Đại Tây Dương, hỏng động cơ đồng nghĩa với cái chết. Và đó là khi adrenaline ập đến và tôi cảm thấy tràn đầy sức sống”, Mountain giải thích lý do thực hiện hành trình nguy hiểm.

Nhiều tỷ phú sẵn sàng trả giá cao cho những chuyến leo núi nguy hiểm trên Everest.
Nhiều tỷ phú sẵn sàng trả giá cao cho những chuyến leo núi nguy hiểm trên Everest. (Ảnh: Reuters).

Trước đó, ông cũng đã chinh phục đỉnh Everest và là một trong số những doanh nhân ưa thích các cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên khắp thế giới. 2 người khác là các tỷ phú người Anh Hamish Harding và Shahzada Dawood, hành khách trên tàu lặn Titan thám hiểm xác tàu Titanic.

Vào ngày 22/6, 4 ngày sau khi Titan mất tích, các nhóm tìm kiếm phát hiện các mảnh vở của tàu lặn cách xác tàu Titanic khoảng 500m, cách bờ biển Newfoundland (Canada) khoảng 600km. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết tất cả hành khách trên tàu lặn đã chết sau một vụ sập nổ thảm khốc dưới áp lực nước.

Những cuộc du lịch mạo hiểm như vậy là thị trường ngách, nhưng đang nở rộ. Một số lượng lớn các công ty mở ra để đáp ứng nhu cầu phiêu lưu nguy hiểm cho giới siêu giàu. OceanGate bắt đầu bán các chuyến đi bằng tàu Titan đến thăm xác tàu Titanic vào năm 2021 với giá 250.000 USD một vé.

Giới chuyên gia nêu nhiều lo ngại về độ an toàn của tàu lặn từ năm 2018, bao gồm vật liệu thân tàu làm từ carbon thay vì kim loại như tàu lặn thông thường và thiếu chứng nhận an toàn của ngành. Những hành khách của OceanGate cũng cho biết tàu gặp vấn đề liên lạc, điều hướng và độ nổi trong suốt chuyến đi kéo dài 12 giờ. Dù vậy, công ty này vẫn tìm kiếm được những hành khách giàu có sẵn sàng chi tiền để có trải nghiệm mạo hiểm.


Chuyến tham quan Titatic trên tàu lặn Titan vẫn hút khách dù nguy hiểm. (Ảnh: Reuters).

“Không ai lên tàu lại ảo tưởng rằng nó an toàn. Cảm giác phấn khích và đối mặt với nguy hiểm mới là điều hấp dẫn, Garret Madison, chủ công ty Madison Mountaineering chuyên cung cấp các chuyến thám hiểm theo yêu cầu đến các đỉnh núi Himalaya chưa được đặt tên, cho biết.

Cận kề cái chết để có cảm giác thỏa mãn

Madison nói thêm rằng tỷ lệ tử vong trung bình trên đỉnh Everest là 1%, cao hơn so với tỷ lệ tử vong của quân nhân Mỹ trong các cuộc xung đột gần đây, nhưng kể từ khi xảy ra đại dịch ngày càng nhiều người có thu nhập cao tìm mua các chuyến thám hiểm. “Đây là xu hướng mới nhất. Các tỷ phú muốn có những cuộc phiêu lưu riêng tư với bạn bè", ông nói.

Grace Lordan, chuyên gia về khoa học hành vi tại Trường Kinh tế London, cho biết trong giới doanh nhân giàu có những chuyến thám hiểm này đã thay thế những món đồ xa xỉ.

Sự thỏa mãn và mục đích thường quyết định cảm giác hạnh phúc. Với các tỷ phú, họ thường có 2 điều này thông qua mua sắm đồ xa xỉ và hoạt động từ thiện. Dần dần, từ thiện vẫn mang lại mục đích, nhưng sự thỏa mãn ngày càng khó đạt được", Lordan nói.


Du lịch mạo hiểm xuống đáy biển hoặc vào không gian là các trải nghiệm để các tỷ phú thể hiện bản thân. (Ảnh: Virgin Galactic).

Cái tôi cũng là một yếu tố. “Các sản phẩm xa xỉ giờ đã trở nên dễ tiếp cận với đại chúng hơn. Vì vậy, các doanh nhân, những người có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn, ngày càng mong muốn có được những trải nghiệm mà rất ít người khác có được”, Lordan giải thích. Họ đã đạt được những kỳ tích trong kinh doanh, và giờ đây họ muốn thể hiện bản thân trong cuộc sống cá nhân.

Nhóm khách hàng chủ yếu là đàn ông ở độ tuổi 50-60, muốn cảm thấy còn sống. Họ muốn băng qua Thác băng Khumbu hoặc sườn núi phía bắc của vùng tử thần của Everest, thay vì chỉ ngồi sau bàn làm việc. Càng cảm nhận cái chết càng gần, họ càng cảm thấy mình đang sống”, Madison cho biết.

Thảm kịch Titan cho thấy rằng, những chuyến phiêu lưu khắc nghiệt này đồng nghĩa với việc đánh cược với cái chết. "Những thách thức này sẽ luôn đi kèm với rủi ro. Nhưng đó là lý do chúng hấp dẫn mọi người", Mountain nói.

Cập nhật: 29/06/2023 Zing
  • 233