Vì sao học sinh Việt Nam yếu về khoa học ứng dụng?

  •  
  • 847

So với bạn bè quốc tế cùng lứa tuổi, học sinh Việt Nam không giỏi khoa học tự nhiên và cũng chưa hiểu nhiều về việc ứng dụng khoa học trong thực tiễn.

Tiền phong có cuộc trò chuyện với kỹ sư Nguyễn Quang - người dẫn chương trình Khoa học vui (Đài Truyền hình Việt Nam) về vấn đề này.

Các nhà chuyên môn cho rằng, điểm yếu của học sinh Việt Nam là khả năng vận dụng trong quá trình học tập. Là người tiếp xúc nhiều với các em học sinh trong các chương trình nói về nội dung khoa học ứng dụng, ý kiến của anh thế nào?

Tôi thấy học sinh Việt Nam hiểu biết chưa cao về khoa học tự nhiên, đặc biệt là khoa học ứng dụng. Không phải vì các em kém. Thực ra, các em thông minh, nhưng ít có điều kiện tiếp cận với khoa học.

Ở các nước mà tôi đã đến và tìm hiểu (châu Âu, Úc), trường học nào cũng đều có phòng thí nghiệm, học sinh được học với những giáo viên giỏi về khoa học tự nhiên.

Kỹ sư Nguyễn Quang

Kỹ sư Nguyễn Quang (Ảnh: Tienphong)

Còn ở ta, điều kiện học tập thiếu thốn đã đành mà ngay cả giáo viên cũng không giỏi về khoa học ứng dụng. Vì thế, họ không trả lời được những câu hỏi về các hiện tượng tự nhiên của các em, không khuyến khích các em đặt câu hỏi.

Nhà trường chỉ là một phần. Thực tế, các em sống trong một môi trường có không nhiều người lớn giỏi về khoa học. Tôi thấy người Việt Nam rất giỏi, nhưng chủ yếu giỏi về toán học, về khoa học lý thuyết.

Có thể họ làm luận án rất tốt, nhưng ứng dụng khoa học trong đời sống thì không tự tin. Rất ít đàn ông tự sửa xe cho mình cũng như ít đàn ông có những bộ đồ nghề, cái khoan, cái thang gấp... ở trong nhà. Trong khi đó, đa số đàn ông Úc đều có những thứ đó. Để tự mình làm những việc cần tới cái khoan, cái thang gấp, bộ đồ nghề... người ta cần có kiến thức khoa học ứng dụng.

Trẻ em ở đâu cũng vậy, đều tò mò, thích khám phá. Nhưng ở ta, sự tò mò khám phá đó đã không được khích lệ đúng mức.

Trong một cuộc đối thoại với học sinh về khoa học ứng dụng gần đây, anh có nói nếu giỏi khoa học các em sẽ khỏe mạnh, giàu có, vui vẻ...

Tôi thấy vậy đấy. Các em học sinh ở ta rất lơ là chuyện bảo vệ sức khoẻ, đề phòng tai nạn. Một lần, tôi thấy một cậu bé khoảng 14 tuổi đánh võng khi đi xe đạp và bị ngã.

Nếu giỏi khoa học, cậu bé ấy sẽ không làm việc đó. Vì trên bề mặt con đường mà cậu bé ấy đang đi có nhiều cát. Nếu đánh võng, bánh xe có lúc tiếp với mặt đường theo chiều ngang trên các hạt cát nên sẽ trượt, và tất yếu xe sẽ bị ngã. Đó là kiến thức Vật lý.

Hoặc nếu có kiến thức ứng dụng Sinh học, các em sẽ phân biệt được vi rút với vi trùng, nhận thức được vi rút đáng sợ thế nào nhưng không đến mức phải sợ quá, kỳ thị, cô lập người nhiễm HIV/AIDS.v.v...

Mặt khác, khi giỏi khoa học ứng dụng, lớn lên các em sẽ có nhiều ý tưởng, sẽ đưa các ý tưởng đó phục vụ cuộc sống. Giỏi khoa học, các em sẽ tạo cho mình được cuộc sống vui vẻ, dễ dàng khắc phục được nhiều khó khăn trước mắt.

Khoa học giúp cho chúng ta suy luận. Tôi tin rằng một người hiểu biết khoa học sẽ suy nghĩ logic hơn và khám phá ra nhiều điều lý thú trong cuộc sống của chính mình.

Một lợi ích hiển nhiên nữa là khi thế hệ công dân tương lai giỏi khoa học ứng dụng thì chất lượng sống cộng đồng mai sau sẽ được nâng cao. Ví dụ như các em sẽ biết cách bảo vệ môi trường, quản lý những công trình khoa học công nghệ tốt hơn.

Ta không cần phải là nhà khoa học mới hiểu khoa học. Chỉ cần để ý đến khoa học, ta có thể có kiến thức này một cách phong phú cho dù ta chỉ là nhân viên kế toán hay bà nội trợ.

Theo ông, cần phải làm thế nào để học sinh thích và giỏi khoa học ứng dụng?

Đây là vấn đề lớn và liên quan cả xã hội. Một xã hội mà chưa hiểu đúng việc ứng dụng khoa học trong thực tiễn thì thế hệ tương lai tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, điều kiện kinh tế đang khó khăn của chúng ta ảnh hưởng rất lớn tới phương pháp dạy học trong nhà trường.

Tôi đến những trường học của nước ngoài những trường ngay trên đất nước Việt Nam và thấy trong lớp học của họ bày ra nhiều mô hình, tranh ảnh: hệ mặt trời, bản đồ thế giới...

Trong mỗi lớp học đều có một thư viện nhỏ với nhiều sách, báo. Họ tạo ra một môi trường học tập rất sinh động. Giáo viên là những người rất giỏi về khoa học.

Trong giờ học, giáo viên không đứng trên bục giảng để diễn thuyết mà họ ngồi xuống cùng chia sẻ với học sinh. Hàng năm, nhà trường tổ chức hội chợ khoa học. Ở đó, học sinh được tự làm các thí nghiệm, được tự mình trình bày và tự mình bảo vệ một lý thuyết nào đó.

Còn lớp học ở ta thì sao? Chỉ có bàn, ghế và bảng đen. Cách dạy một chiều, hiệu quả đến đâu thì chỉ đến các bài kiểm tra hoặc kỳ thi mới biết chứ không thể đánh giá qua mối quan hệ tương tác hàng ngày.

Tất nhiên, nếu giáo viên nhận thức tốt về ứng dụng khoa học trong thực tiễn, trình độ giáo viên được nâng cao thì họ sẽ tìm được những phương pháp giúp học sinh yêu khoa học.

Xin cảm ơn ông!

Quý Hiên thực hiện

Theo Tiền phong
  • 847