Những giai thoại sợ ma đến... "vãi cả tè" hẳn đã in đậm trong ký ức tuổi thơ của các bạn đúng không?
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe khá nhiều giai thoại hài hước về việc người sợ ma đến nỗi... tè cả ra quần, hay như cách gọi dân dã của người Việt Nam là sợ... "vãi" tè. Nhưng tại sao sợ quá lại... tè bậy được nhỉ? Hãy cùng đi tìm hiểu cơ chế của tình huống xấu hổ này.
Nỗi sợ ma của con người thực chất xuất hiện ở hầu hết các nền văn minh kể từ thời xa xưa. Sự ám ảnh này được xây dựng trên niềm tin rằng linh hồn của người đã chết không chỉ có thể tác động đến thế giới người sống, mà một vài linh hồn chết oan - hay oan hồn - còn thực sự “nguy hiểm” cho chúng ta.
Sản phẩm hư cấu thôi mà.
Tuy nhiên, sở dĩ chúng ta thường có phản ứng sợ hãi khi nghĩ đến ma là do... sản phẩm của điện ảnh và truyền thông.
Lợi dụng trí tò mò và nỗi sợ nói chung của loài người về thứ khoa học chưa thể xác minh, các nhà làm phim đã xây dựng hình ảnh những con ma đáng sợ đến nỗi nhiều người còn không dám... đi tiểu một mình.
Để hiểu được điều này, chúng ta cần xét đến những gì sẽ xảy ra khi chúng ta sợ.
Sợ chưa kìa?
Về cơ bản, chúng ta sẽ thấy sợ hãi khi nhìn, nghe hay cảm thấy được bất kì điều gì có thể gây hại cho bản thân. Điều tương tự diễn ra khi ta xem phim ma. Chính những tác nhân kích thích này sẽ gửi một tín hiệu đến não của bạn, cụ thể hơn là đến hạch hạnh nhân.
Đây là nơi xử lý các yếu tố cảm xúc của con người, nằm ở tâm của não. Hạch hạnh nhân sẽ bắn ra một loại chất truyền dẫn thần kinh là glutamate đến hai vùng khác thuộc não bộ.
Khu vực nhận phản ứng đầu tiên là phần nằm sâu ở đáy não. Khu vực này tạo nên những phản xạ của cơ thể - cụ thể là những phản ứng mà chúng ta ít có quyền kiểm soát. Và phản xạ này thường khiến cơ thể... cứng đờ vì quá sợ.
Sơ đồ não bộ.
Tín hiệu thứ hai được gửi đến vùng dưới đồi (Hypothalamus) - khu vực thuộc não trung gian. Đây là hệ thống chịu trách nhiệm cho phản ứng “đánh hay chạy” (fight or flight) - thuộc về bản năng của con người.
Vùng này khi nhận được tín hiệu sẽ kích hoạt một loạt các dây thần kinh làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, đồng thời bơm adrenaline đi khắp cơ thể. Đây chính là cảm giác hồi hộp, căng thẳng khi sợ ma.
Tuy nhiên mấu chốt ở đây là hệ thống viền (limbic) - nơi bao bọc vùng dưới đồi. Khu vực này cũng nhận được tín hiệu thứ 2, và là thủ phạm cho phản ứng… tè ra quần khi sợ của chúng ta.
Hệ thống viền chính là thủ phạm khiến điều này xảy ra.
Nói riêng về quá trình não kiểm soát bàng quang, đây là một thao tác đòi hỏi phản ứng tinh vi của não bộ. Khu vực của não chịu trách nhiệm cho hoạt động này gọi là trung tâm tiểu tiện của cầu não (pontine micturition center - PMC).
Đây là bộ phận luôn giữ liên lạc với bàng quang để kiểm soát hoạt động của vùng chức năng này. Nó sẽ tiếp nhận những thông tin và cho não biết khi nào áp suất ở bàng quang đủ lớn để quyết định có... “xả” hay không.
Nhưng PMC không phải là kẻ nắm quyền duy nhất với bàng quang. Phần vỏ não trước trán cũng kiểm soát khu vực này, với khả năng “ghi đè” lên lệnh đi tiểu của PMC bằng cách gửi những tín hiệu ức chế đến thân não. Nếu không có vỏ não, chúng ta sẽ tự động... xả liên tục bất cứ khi nào bàng quang đầy.
Tuy nhiên khi căng thẳng, hệ thống viền lại biến thành kẻ phá đám. Lúc này, hệ thống sẽ "ghi đè", khiến những tín hiệu ức chế mà vỏ não trước trán đã gửi đi trước đó mất hiệu lực và gây rối loạn cho não bộ.
Đó chính là lý do tại sao nhiều người thấy buồn tiểu hơn trước các kỳ thi quan trọng, hoặc khi đứng trước vạch xuất phát của một cuộc thi marathon.
Đặc biệt, trong những tình huống sợ hãi đến tột độ, khi nỗi sợ đột ngột xâm chiếm, các tín hiệu từ hệ thống viền trở nên mãnh liệt đến mức bàng quang... "buông" luôn, và hệ quả chính là những gì chúng ta hay nói: "sợ vãi tè".
Nhưng dù có thể đổ tội cho não bộ thì tình huống này thực sự có thể khiến bạn... không dám ra khỏi nhà nếu bị người ngoài phát hiện. Vì thế để không bao giờ phải xấu hổ, các bạn có thể tham khảo "Bí kíp chống sợ ma" này, vì sự thực là ma chẳng hề đáng sợ như bạn nghĩ đâu.