Vì sao khó phá hủy nhà máy ĐHN Fukushima?

  •  
  • 756

Nhiệm vụ sửa chữa, hay phá hủy, chấm dứt hoạt động nhà máy Fukushima là vô cùng khó khăn, và chưa có tiền lệ trên thế giới.

Vụ Fukushima hiện nay hoàn toàn khác 2 vụ trước ở chỗ nó do động đất, sóng thần gây ra hư hại, chứ không phải do thí nghiệm không thành công như vụ Chernobyl, hay công nhân vận hành sai lầm như Three Mile. Cả hai vụ trước, người ta biết được nguyên nhân, và tìm ra giải pháp xử lý được ngay.

Vụ Fukushima, do động đất và sóng thần, mức độ hư hỏng rất đa dạng, và xảy ra ở cả 6  lò phản ứng (LPƯ), trong đó nặng nhất là 4 lò số 1, 2, 3, 4, và người ta không biết ngay được hư hỏng ở đâu, mức độ như thế nào, nên các giải pháp luôn phải mò mẫm từng bước.

Mà đã mò mẫm thì mất thời gian. Mất thời gian, như ví dụ ở Chernobyl, chỉ chậm 1 phút là có thể gây nổ, nên nhiệm vụ sửa chữa, hay phá hủy, chấm dứt hoạt động nhà máy Fukushima là vô cùng khó khăn, và chưa có tiền lệ trên thế giới.

Công ty sản xuất nhà máy điện hạt nhân của Pháp Areva, và công ty Mỹ Babcox-Wilcox cùng cử chuyên gia sang Nhật để giúp Nhật giải quyết sự cố Fukushima, nhưng thật ra, là để cùng nghiên cứu các giải pháp. Cả ở Pháp, và Mỹ, hay Nga, đều chưa có tiền lệ nhà máy điện hạt nhân bị động đất, sóng thần gây hư hại.


Nhà máy hạt nhân Daiichi ở Fukushima sau vụ nổ thứ 2 hôm 14/3. Ảnh:
Getty Image

Chính phủ Mỹ cũng cử một đội chuyên gia về vũ khí hạt nhân hơn 150 người sang Nhật, chủ yếu để thu thập số liệu, theo dõi tình hình, kiểm tra mức độ phóng xạ, và nghiên cứu các giải pháp cùng các chuyên gia Nhật, chứ cũng không có cao kiến gì hay hơn phía Nhật.

Nước Mỹ có số nhà máy điện hạt nhân nhiều nhất thế giới, 106 nhà máy, nhưng cũng chỉ đảm bảo được 20% năng lượng điện cho Mỹ. Pháp sử dụng 80% năng lượng điện hạt nhân. Nhật sử dụng 26%. Và đó là một lý do quan trọng khiến cả phía Mỹ, Pháp, Đức... đều muốn nhiệt tình giúp Nhật giải quyết sự cố Fukushima. Một lý do quan trọng cho các quyết định nó là bản thân họ cũng muốn nghiên cứu sự cố để có kinh nghiệm, phòng khi động đất có xảy ra ở nước mình....

Một trong các cao kiến của phía Mỹ là yêu cầu Chính phủ Nhật dùng nước biển làm lạnh LPƯ, và Chính phủ Nhật đành phải dùng máy bay trực thăng để đổ nước biển vào các LPƯ. Nhưng nước biển có muối mặn, làm rỉ sét, ăn mòn các đường ống trong nhà máy. Nhiều người nhận định, đây có thể là một nguyên nhân làm rò rỉ khí chứa phóng xạ ra ngoài. Hiện nay, việc dùng nước biển làm lạnh đã chấm dứt.

Ngày 3 tháng 4 vừa qua, phía Nhật đã thành công trong việc tìm ra khe nứt rộng 20 cm làm đổ nước nhiễm phóng xạ ra biển. Và ngày 6 tháng 4, Nhật đã dùng thủy tinh lỏng bịt được lỗ rò này, khiến cho nồng độ phóng xạ trong nước biển giảm hơn so với trước.

Hiện nay phía Mỹ đã dùng xà-lan chở từ Mỹ sang 10.000 tấn nước ngọt để giúp Nhật làm lạnh LPƯ. Nước ngọt từ các vùng khác ở Nhật cũng đã được ùn ùn chở đến Fukushima để làm lạnh LPƯ.

Bây giờ, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải khôi phục lại hệ thống bơm làm lạnh LPƯ. Nếu hệ thống bơm làm lạnh hoạt động, nước làm lạnh sẽ tuần hoàn bên trong nhà máy, giống như cái tủ lạnh. Nước làm lạnh LPƯ sẽ bị nóng lên khi làm lạnh các thanh nhiên liệu, sau đó chạy về hệ thống làm lạnh, để lạnh lại, rồi lại chạy vào bể chứa thanh nhiên liệu để làm lạnh thanh nhiên liệu. Cứ thế, không cần nước làm lạnh bổ sung từ ngoài vào.

Còn nếu phải bơm nước làm lạnh từ ngoài vào, phải có chỗ xả ra, để bơm nước mới vào.

Nhưng muốn sửa chữa hệ thống bơm làm lạnh, phải tháo hết nước bị nhiễm phóng xạ ra khỏi các đường ống, và làm sạch muối biển để tránh bị ăn mòn, chỉ còn nước sạch làm lạnh, để công nhân có thể chui vào nhà máy để sửa chữa máy bơm. Còn nước bị nhiễm phóng xạ trong nhà máy, công nhân không thể chui vào sửa chữa bơm làm lạnh.

Có khoảng 60.000 tấn nước nhiễm phóng xạ cần phải được tống ra khỏi nhà máy, thay bằng nước sạch, để công nhân có thể vào sửa chữa máy bơm. Hiện nay, các bể chứa tạm thời đã chứa được 20.000 tấn, và sà-lan của Mỹ chở 10.000 tấn nước sạch làm lạnh, sau khi bơm hết vào nhà máy, thì sẽ nhận lại 10.000 tấn nước nhiễm phóng xạ để tạm trữ. Còn 30.000 tấn làm cách nào?

Các chuyên gia đành phải nghĩ ra cách xả nước ít nhiễm phóng xạ ra biển, để lấy chỗ chứa nước bị nhiễm nhiều phóng xạ hơn. Tức là trong 2 điều tệ hại, thì chọn điều ít tệ hại hơn. Một đảo nhân tạo chứa được 10.000 tấn nước cũng đang được kéo đến Fukushima, có lẽ phải 10 ngày nữa mới đến nơi được.

Sau khi khôi phục được hệ thống bơm làm lạnh LPƯ, thì khi đó mới có thể nghĩ đến việc phá hủy nhà máy ĐHN theo lộ trình kiểm soát được.

Hiện nay, ở tỉnh Ibaraki của Nhật có 1 nhà máy điện hạt nhân, đang được tháo dỡ theo kế hoạch vì hết giá trị sử dụng. Quá trình tháo dỡ, làm lạnh của nhà máy Ibaraki bắt đầu từ năm 1998, và đến năm 2021 mới hoàn thành. Khi đó các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng mới thực sự hết tạo phản ứng nhiệt hạch. Và phần vật liệu của nhà máy đó, như sắt, thép, xi măng... sẽ phải cưa nhỏ, và chôn sâu dưới lòng đất.

Một nhà máy điện hạt nhân bình thường, không có sự cố, mà quá trình tháo dỡ phải mất công sức, thời gian như thế, huống chi nhà máy có sự cố. Các nhà đầu tư khi tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân, đã không hề nói đến điều này. Chỉ sau sự cố Fukushima, các thông tin về điện hạt nhân dần dần mới được sáng tỏ hơn.

Một chuyên gia lâu năm về điện hạt nhân của Nhật đã nói trên truyền hình NHK rằng các chuyên gia hạt nhân ở Nhật chỉ có kinh nghiệm và kiến thức xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân, chứ chưa có kinh nghiệm và kiến thức xử lý nhà máy điện hạt nhân bị sự cố động đất, sóng thần gây hư hại. Và đó cũng là tình trạng chung của khoa học điện hạt nhân trên thế giới.

Những tiếng nói phê phán chính sách điện hạt nhân của Chính phủ Nhật đang cất lên ngày càng nhiều.

Một nước lắm động đất như thế, mà tại sao làm lắm điện hạt nhân như thế?”, các câu hỏi như thế đang vang lên ở khắp nơi. Tuần trước, Chính phủ Nhật đã chính thức cho đình lại vô thời hạn về chính sách phát triển điện hạt nhân mới của mình.

Không có Fukushima, làm sao Chính phủ Nhật có quyết định này được?

Theo Bee
  • 756