Vì sao kiến thống trị thế giới?

  •  
  • 1.263

Những vị khách không mời mà đến đầu tiên trong bất kỳ cuộc picnic nào cũng là kiến. Sự nhanh chân của chúng chứng tỏ hiệu quả và tầm quan trọng, cũng như ngụ ý về lý do chúng có mặt ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Không phải lúc nào kiến cũng thống trị trái đất. Các nhà khoa học ước tính rằng những con kiến hiện đại ngày nay đã tiến hoá lần đầu tiên vào khoảng 120 triệu năm trước. Nhưng hoá thạch lại cho thấy vào thời gian này kiến không phải là họ côn trùng thống lĩnh như ngày nay.

Mãi đến 60 triệu năm sau đó, khi một vài loài kiến thích nghi với thế giới của các loài thực vật có hoa và đa dạng hoá chế độ ăn, những sinh vật này mới có được lợi thế sinh thái. Kể từ đó, chúng đã thực hiện thành công cuộc chạy đua trên hành tinh.

Kiến trở thành kẻ thống trị nhờ rất nhiều bí quyết trong công việc và kiếm ăn. Ngay cả ngoại hình và nơi cư trú cũng tương phản từ loài này sang loài khác. Từ loài tí hon chỉ dài một milimét Oligomyrmex atomus tới những loài kiến bự hơn 3 centimét Dinoponera, chúng khoác cho mình những màu sắc khác nhau từ vàng, đen tới đỏ. Sinh sống trong sa mạc, song kiến cũng không bỏ sót các cánh rừng nhiệt đới và đầm lầy - bất cứ đâu trừ những điểm lạnh nhất và cao nhất trên trái đất.

"Gần như tất cả các ngôn ngữ của loài người đều có một từ để nói về kiến", Philip Ward, một nhà côn trùng học tại Đại học California ở Davis nói.

Nhiều loài kiến ăn những loài cây có hoa giàu carbohydrate. Một vài loài kiến thợ mộc xây dựng những cái tổ được phòng thủ vững chắc xung quanh thân cây, nhằm đối phó với các loài côn trùng khác và bảo vệ kho thức ăn của mình.

Những loài kiến sống trong các vùng khô hạn, nóng nực đã tìm ra đủ cách để sinh tồn qua những mùa hạn hán kéo dài bằng cách dự trữ thức ăn. Kiến bình mật còn sử dụng chính cơ thể nó làm kho chứa.

Một vài loài đánh nhau vì thực phẩm. Những cái ăngten dày trên đầu của kiến vũ trang có thể chịu đựng được các cuộc xung đột triền miên với những con khác. Kiến bẫy hàm, Odontomachus, khớp cái hàm ăn thịt của nó nhanh đến nỗi bạn có thể nghe thấy tiếng click. Kiến cướp nô lệ đánh tháo lũ kiến con từ tổ của hàng xóm.

Trong tổ, con cái làm mọi việc, trong khi con đực chỉ giống như những vật phóng côn trùng biết bay bé nhỏ. Trong mỗi loài, sự phân công lao động lại phụ thuộc vào tuổi và giới tính của mỗi cá nhân.

Không giống với các loài côn trùng xã hội khác như ong và ong bắp cày, hầu hết kiến không có cánh và đã tiến hoá một kho hoá chất để thuận tiện trong việc giao tiếp trên mặt đất.

"Mất cánh đã tạo ra hạn chế trong việc tìm thức ăn. Chúng phải thu lượm thực phẩm trên mặt đất, vì thế giao tiếp trên mặt đất rất quan trọng", Ward nói.

Các hoá chất này được dùng để hẹn hò, báo động và định vị nguồn thực phẩm. Khi bà chúa kiến đã sẵn sàng ân ái, ở một số loài, vị nữ hoàng này sẽ trèo lên một điểm cao, trỏ đuôi lên bầu trời và giải phóng một pheromone để thu hút sự chú ý của các con đực.

Kiến cũng giải phóng các pheromone từ một tuyến ở trong miệng nếu có điều gì đó đang quấy rầy tổ của nó.

"Sự thành công của kiến là ở việc chúng đã tìm ra cách sử dụng các hành vi xã hội để tối ưu hoá việc đưa thức ăn về nhà", Wild nói. "Chúng phát triển những hệ thống giao tiếp để có thể liên lạc nhanh nhất. Đó là lý do tại sao bạn bắt gặp vô số kiến trong cuộc picnic của mình".

T. An

Theo LiveScience, VnExpress
  • 1.263