Vì sao lái xe hơi mệt mỏi, mất thời gian mà chúng ta vẫn thích?

  •  
  • 462

Nghiên cứu chỉ ra con người có xu hướng “thần thánh hóa ôtô”, thiên vị và cố gắng bao biện cho việc sử dụng xe hơi và làm lơ trước những tác hại của nó đến xã hội.

Hầu hết mọi người đều tỏ ra khó chịu trước những hành vi đi ngược lại với quy chuẩn của xã hội. Trộm cắp, hút thuốc ở nơi công cộng hay vì mất vệ sinh an toàn thực phẩm… là những hành vi điển hình, thường xuyên bị công chúng lên án. Tuy nhiên, với ôtô, dù có phải hít khói bụi hay đau đầu với tiếng còi xe inh ỏi, nhiều người vẫn chọn cách bỏ qua vấn đề này.

“Thần thánh hóa ôtô”

Đây được gọi là tâm lý “car brain” (tạm dịch: thần thánh hóa xe hơi). Từ lóng này dùng để chỉ những người dùng ôtô luôn cho rằng nó đẳng cấp hơn những phương tiện giao thông khác hoặc người đi bộ. Họ phụ thuộc vào xe hơi, có xu hướng mặc định chọn phương tiện này mỗi khi có nhu cầu di chuyển thay vì cân nhắc đến lợi và hại của những lựa chọn khác.

Với giáo sư Ian Walker tại Đại học Swansea, xứ Wales, ông gọi hiện tượng này là “motonormativity” (định chuẩn hóa ôtô), dùng để chỉ những người có xu hướng thiên vị, nhìn nhận thiếu khách quan về việc sử dụng xe hơi.

Thuật ngữ “motonormativity” được lấy từ “heteronormativity” (định chuẩn hóa dị tính), áp đặt khuôn mẫu của xã hội dị tính (chỉ có nam và nữ) lên lối sống, suy nghĩ của mọi người. Với “motonormativity”, cách hiểu tương tự được áp dụng cho ôtô.

Giáo sư Walker nhận thấy mọi người thường gặp phải điểm mù đối với những vấn đề liên quan đến ôtô như vượt quá tốc độ, lượng khí độc hại thải ra môi trường, rủi ro tai nạn và hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực khác của loại phương tiện này.

Mọi người thường đánh giá ôtô là một phương tiện tiện lợi
Mọi người thường đánh giá ôtô là một phương tiện tiện lợi, nhanh chóng nhưng lãng quên những tác hại khôn lường của nó đối với xã hội. (Ảnh: iStock).

Ông đã khảo sát thực tế và tính toán tỷ lệ chính xác để chứng minh phần đông dân số thế giới đang thiên vị và cố gắng bao biện cho việc sử dụng xe hơi như thế nào. Để làm được điều này, ông đã đặt ra một bộ câu hỏi cài cắm những thông tin nhằm chỉ ra thiên kiến vô thức của con người đối với xe hơi.

Bộ câu hỏi được chia làm 2 phần. Một phần liên quan đến ô tô, thói quen lái ôtô và một phần còn lại sẽ bao gồm những câu có nội dung tương tự nhưng thay thế ôtô bằng từ khóa và cụm từ ở chủ đề khác.

Giáo sư đã thuê một công ty khảo sát độc lập để tìm ra 2.157 người tham gia một cách ngẫu nhiên ở Anh. Họ chỉ được quyền trả lời đồng ý hoặc không đồng ý ở mỗi câu. Một nửa trong số họ sẽ được hỏi về ý kiến về xe hơi, một nửa còn lại sẽ được hỏi về những câu không liên quan đến loại phương tiện này.

Ghét khói thuốc nhưng sẵn sàng hít khói ôtô

Ví dụ như một người được khảo sát sẽ phải trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với mệnh đề: “Chúng ta không nên hút thuốc ở những nơi đông người vì mọi người có thể hít phải khói thuốc”.

Sau đó, họ sẽ gặp phải một câu tương tự nhưng là về chủ đề ôtô như: “Chúng ta không nên lái xe ở những nơi đông người vì mọi người có thể hít phải khói xe”. Kết quả cho thấy 3/4 người tham gia nói rằng họ đồng ý với mệnh đề đầu tiên nhưng chỉ có 17% đồng ý với mệnh đề thứ hai về xe hơi.

Tương tự, một câu hỏi khác về nạn trộm cắp cũng được đặt ra.

Người khảo sát nhận được ý kiến cho rằng: “Nếu có người để quên đồ trên đường và bị mất cắp, lỗi nằm ở họ vì đã để ở đó và cảnh sát không có quyền can dự vào việc này” và ý kiến tương đương về chủ đề xe hơi “Nếu có người để quên ôtô trên đường và bị mất cắp, lỗi nằm ở họ vì đã để ở đó và cảnh sát không có quyền can dự vào việc này”.

Kết quả chỉ ra chỉ có 8% đồng ý với mệnh đề đầu tiên, trong khi 55% đồng tình với ý kiến thứ 2.

Những câu hỏi tương tự về các chủ đề khác như an toàn tính mạng, sử dụng chất chứa cồn và bị thương trong lúc làm việc cũng được đặt ra. Đa số mọi người đều chỉ trích những hành vi sai trái đối với những chủ đề không liên quan đến ôtô và tỏ ra cảm thông hơn với những hành động tương tự nhưng là về xe hơi.

Giáo sư Walker giải thích sự đối lập này là do tâm lý “motonormativity” (định chuẩn hóa ôtô). “Mọi người thường bỏ qua những chuẩn mực thông thường khi nói về ôtô”, ông nói. Với giáo sư, câu hỏi về khói xe và khói thuốc rất thú vị.

Đa số mọi người đều không nhìn nhận hành vi lái xe qua góc nhìn sức khỏe
Đa số mọi người đều không nhìn nhận hành vi lái xe qua góc nhìn sức khỏe.

Trong hàng thập kỷ trước, xã hội đều tỏ vẻ chấp nhận hay thậm chí là khuyến khích hành vi hút thuốc ở nơi công cộng.

Nhưng khi những cảnh báo về nguy hiểm của hút thuốc lá thụ động (những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ người hút thuốc) được phổ biến rộng rãi cùng với luật pháp khắt khe, thái độ của cộng đồng đối với hành vi này đã thay đổi hoàn toàn. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với ôtô, ông Walker nói.

“Thái độ đối với việc hút thuốc thay đổi rất lớn, từ thản nhiên, thờ ơ vào 20 năm trước đến phản đối và nói không với hành vi hút thuốc ở hiện tại. Do đó, việc so sánh giữa thói quen hút thuốc lá và lái ôtô khiến tôi rất hứng thú vì mọi người cũng sẽ có thể thay đổi suy nghĩ như vậy”, ông nói.

Song, ôtô đã trở thành một phương tiện sử dụng rộng rãi trên toàn cầu nên quá trình biến đổi này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Đa số mọi người đều không nhìn nhận hành vi lái xe qua góc nhìn sức khỏe, khiến họ làm lơ trước những tác hại đến xã hội và đánh giá một cách bất công về nó. Họ cho rằng lái xe quá tiện lợi và dễ dàng nên điều này là hiển nhiên. “Vì thấy tiện nên họ kết luận điều đó là đúng, là tốt cho xã hội”, giáo sư Walker nói.

Cập nhật: 10/02/2023 Zing
  • 462