Cá ngừ đại dương phải luôn bơi ngay cả khi chúng ngủ. Tại sao lại thế?
Nếu không bơi, cá ngừ sẽ chết vì ngạt thở. (Ảnh: Getty).
Cá ngừ đại dương là một tay đua cừ khôi, khi có thể đạt vận tốc lên tới 40km/h dưới nước. Tuy nhiên, không giống như nhiều loài cá khác, cá ngừ đại dương không thể bơm nước vào từ 2 mang.
Thay vào đó, chúng hô hấp nhờ một quá trình gọi là "thông khí bởi mang" (ram ventilation). Trong quá trình này, cá liên tục phải há miệng và bơi về phía trước để dòng nước mang theo oxy tràn vào. Sau đó, nước đi qua mang và thoát ra ngoài qua khe mang.
Đó là lý do vì sao cá ngừ phải luôn bơi, ngay cả khi chúng ngủ. Nếu ngừng bơi, chúng sẽ ngay lập tức chết ngạt. Cùng với đó, khi được đánh bắt lên bờ, cá ngừ phải nhanh chóng được chế biến và làm đông lạnh.
Bên cạnh cá ngừ, một số loài cá khác như cá mập, cá thu... cũng có chung cơ chế này.
Đa số các loài cá đều có thể ngủ. (Ảnh: Getty).
Gần như tất cả các loài động vật đều ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng để làm mới tinh thần và cơ thể. Khi ngủ, con người thường nhắm mắt và nằm im một thời gian dài. Khi đó chúng ta ít nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình và hơi thở, nhịp tim chậm lại.
Điều này đúng với các loài cá, bởi trên thực tế chúng vẫn ngủ. Dẫu vậy, cách ngủ của chúng tương đối khác nhau. Một số ngủ vào ban ngày và chỉ thức dậy vào ban đêm, trong khi có những con khác ngủ vào ban đêm, thức ban ngày. Khá dễ dàng để biết khi nào cá đang ngủ. Đơn giản là chúng nằm bất động, thường ở dưới đáy hoặc gần mặt nước.
Giống như con người, cá có đồng hồ sinh học để biết khi nào cần làm những việc như ngủ và ăn. Vì vậy, ngay cả khi bạn vô tình để đèn vào ban đêm, cá vẫn có thể ổn định và đi ngủ đúng lúc chúng cần.