Độ bám đường của lốp khi chạy dưới điều kiện khô ráo không liên quan đến số lượng gai có trên bề mặt.
Trong các giải đua xe chuyên nghiệp, không khó để nhận ra những chiếc xe đua được trang bị bộ lốp trơn, khác hoàn toàn với lốp xe phổ thông. Nhiều người sẽ thắc mắc vì sao những bộ lốp này lại cho độ bám đường tốt, trong khi lốp xe phổ thông khi mòn hết gai lại mất khả năng bám đường.
Độ bám đường của lốp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Trong đua xe, độ bám đường của lốp càng cao đồng nghĩa với việc tay đua có thể nghiêng xe nhiều hơn và phanh trễ hơn. Để tối ưu điều này, lốp xe đua chạy ở thời tiết khô ráo sẽ không có các rãnh gai. Tuy nhiên khi chạy dưới trời mưa hoặc đường ẩm ướt, lốp được sử dụng để đua vẫn có các rãnh gai giống như lốp thương mại, thậm chí là nhiều hơn.
Để giải thích vấn đề này, trước tiên cần hiểu độ bám đường của lốp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó có 3 yếu tố chính là: tiết diện lốp tiếp xúc với mặt đường, nhiệt độ và hợp chất cấu tạo của lốp.
Nhiệm vụ duy nhất của rãnh gai là tạo ra các không gian trống để chứa nước khi chạy trên mặt đường ướt, giúp lốp xe có thể tiếp xúc được với mặt đường. Khi chạy trên đường khô, các rãnh gai này hoàn toàn không có tác dụng, nó thậm chí còn làm giảm khả năng bám đường của lốp.
Như đã đề cập phía trên, độ bám đường của lốp còn liên quan đến hợp chất cấu tạo và nhiệt độ. Lốp trơn được cấu tạo từ hợp chất cao su mềm, trong khi đó lốp phổ thông thường sử dụng hợp chất cao su cứng hơn nhằm kéo dài tuổi thọ.
Hầu hết hãng xe thường chỉ trang bị cho xe máy phổ thông các dòng lốp có chất lượng ở mức vừa đủ để giảm chi phí sản xuất. Những loại lốp này có độ bám đường không cao do sử dụng hợp chất cao su cứng, đồng nghĩa với tuổi thọ lốp sẽ được kéo dài hơn các loại lốp bám đường.