Vì sao máy điều hòa ở Đông Nam Á ngốn điện hơn nơi khác?

  •  
  • 392

Con người cảm thấy nóng hơn khi độ ẩm cao, nhưng máy điều hòa hiện nay lại không tối ưu cho việc hút ẩm không khí, mà chỉ tập trung làm mát.

"Không phải nhiệt độ, mà độ ẩm" chính là vấn đề thử thách người dân tại các khu vực khí hậu nóng ẩm như Việt Nam trong mùa hè. Sự oi bức xảy ra khi độ ẩm quá cao, khiến mồ hôi không thể bốc hơi, dính vào da gây khó chịu.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng cuộc sống, mà còn tác động tới hoạt động của điều hòa. Đây là thiết bị tiêu tốn năng lượng và chiếm 4% phát thải khí nhà kính toàn cầu, gấp đôi toàn bộ ngành hàng không.

Giới chuyên gia cảnh báo các thế hệ điều hòa hiện tại sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trong điều kiện thời tiết nóng ẩm tương lai. Máy có hai khả năng là làm mát không khí và giảm độ ẩm. Tuy nhiên, phần lớn được thiết kế cho nhiệm vụ đầu tiên và không phải sản phẩm nào cũng được tính toán vận hành một cách tối ưu với độ ẩm cao.

 Một người dân ngồi cạnh quạt điều hòa ở Chhattisgarh, Ấn Độ, hồi tháng 5.
Một người dân ngồi cạnh quạt điều hòa ở Chhattisgarh, Ấn Độ, hồi tháng 5. (Ảnh: Washington Post).

Khi độ ẩm cao, người dùng thường cảm thấy nóng hơn dù nhiệt độ không tăng. Họ thường hạ nhiệt độ điều hòa để đối phó với sự oi bức, dẫn đến tình trạng tiêu thụ nhiều năng lượng.

Trong khi đó, máy điều hòa hiện nay không được thử nghiệm ở môi trường phù hợp. Chúng được kiểm tra với nhiệt độ 35 độ C, tốc độ máy nén cố định, không phản ánh đúng điều kiện nóng ẩm tại các nước Nam Á và Đông Nam Á. Do đó, người dân ở khu vực này tốn nhiều tiền điện hơn khi sử dụng thiết bị.

"Điều hòa phải làm lạnh quá mức để giảm độ ẩm không khí, ngốn điện hơn mức cần thiết", Nihar Shah, Giám đốc Chương trình Hiệu quả Làm mát Toàn cầu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (LBNL) ở Mỹ, nhận xét.

Nghiên cứu do Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia Mỹ tiến hành cho thấy hơn nửa phát thải từ điều hòa bắt nguồn từ hoạt động giảm độ ẩm. "Kiểm soát độ ẩm bằng điều hòa có nhiều tác động đến khí hậu hơn là điều chỉnh nhiệt độ", các nhà nghiên cứu cho hay.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, người dân tại khu vực nóng ẩm phải đầu tư nhiều tiền cho thiết bị làm mát. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trung bình khoảng 10 chiếc điều hòa sẽ được bán mỗi giây giai đoạn 2023-2050. Trong đó, người dân Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua hàng tỷ máy trong hàng chục năm tới trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Số lượng máy khổng lồ có thể tạo thêm 100 tỷ tấn khí nhà kính từ nay đến 2050, tương đương lượng phát thải toàn cầu trong vòng hai năm.

Hiện đã có nhiều hệ thống điều hòa hiệu suất cao, cho phép làm mát trong nhà với lượng điện thấp hơn đáng kể, thậm chí có khả năng loại bỏ hơi ẩm tốt nhờ sử dụng chất làm khô. Tuy nhiên, để sản phẩm phổ biến trên thị trường, các quốc gia và tổ chức quốc tế phải cập nhật tiêu chuẩn thiết bị.

Nhiều nhóm nghiên cứu, trong đó có LBNL, kêu gọi phát triển phương án thử nghiệm điều hòa mới nhằm tính đến khu vực nóng ẩm trên thế giới.

"Điều hòa cần được kiểm nghiệm như trong tình trạng vận hành thực tế, sử dụng nhiều dải nhiệt độ và độ ẩm, kết hợp tốc độ máy nén khác biệt, giúp người dùng quyết định lựa chọn hợp lý nhất với họ", Ankit Kalanki, chuyên gia Viện nghiên cứu năng lượng sạch RMI tại Mỹ, cho hay. "Nhu cầu giải nhiệt sẽ bùng nổ. Nếu vẫn áp dụng công nghệ hiện nay, chúng ta sẽ tạo thêm rất nhiều khí phát thải".

Cập nhật: 21/06/2023 VnExpress
  • 392