Vì sao một số người luôn đến muộn?

  •  
  • 457

Trong cuộc sống, có một số người không bao giờ đến đúng giờ, cho dù đó là hẹn ăn trưa hay cuộc họp công việc.

Theo các chuyên gia, thói quen trễ nải có thể liên quan đến một số yếu tố, bao gồm nhận thức về thời gian, quản lý thời gian và tính cách của con người.

Do cơ chế trong não?

Một cơ chế trong não có thể là nguyên nhân khiến một số người đi muộn.
Một cơ chế trong não có thể là nguyên nhân khiến một số người đi muộn.

Theo giáo sư Hugo Spiers, chuyên gia về Khoa học thần kinh nhận thức thuộc ĐH College London (Anh), “Một cơ chế trong não có thể là nguyên nhân khiến một số người đi muộn, do đánh giá thấp thời gian cần thiết để đến đó”.

Trên tạp chí Nature Reviews Neuroscience xuất bản vào năm 2017, Spiers cho biết, hồi hải mã (hippocampus) là vùng não xử lý một số khía cạnh về thời gian, chẳng hạn như ghi nhớ khi nào nên làm một việc gì đó và mất bao lâu để thực hiện.

Các neuron trong hồi hải mã đóng vai trò là những “tế bào thời gian”, góp phần vào nhận thức và trí nhớ của chúng ta về các sự kiện, nhưng vì sao một số người nhận thức không đúng về thời gian thì vẫn chưa hiểu một cách chính xác.

Trong nghiên cứu, giáo sư Spiers đã yêu cầu 20 sinh viên mới chuyển đến London phác thảo bản đồ khu đại học của họ và ước tính thời gian di chuyển đến các điểm khác nhau. Kết quả cho thấy, khi con đường càng quen thuộc, người tham gia càng cảm thấy nó ngắn và nghĩ rằng cần ít thời gian để di chuyển nên dễ chủ quan dẫn đến chậm trễ.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Memory & Cognition gợi ý rằng, khi ước tính thời gian cho công việc gì đó, chúng ta thường dựa vào khoảng thời gian đã thực hiện trong quá khứ. Thế nhưng ký ức và nhận thức của chúng ta không phải lúc nào cũng chính xác.

Emily Waldum, Giáo sư trợ giảng tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina và là tác giả chính của một nghiên cứu năm 2016 công bố trên tờ Journal of Experimental Psychology: General, cho biết: “Nếu chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực hiện một nhiệm vụ, chúng ta sẽ đánh giá thấp thời gian thực hiện nhiệm vụ đó”.

Yếu tố môi trường và tính cách

Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Waldum cũng phát hiện các yếu tố môi trường, chẳng hạn như âm nhạc, có thể ảnh hưởng đến cảm nhận về thời gian của bạn. Ông cho biết, khi trả lời các câu hỏi về kiến thức chung, một số người đã ước tính sai khoảng thời gian hoàn thành liên quan đến số bài hát họ nghe được phát vào lúc đó.

Các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến cảm nhận về thời gian của bạn.
Các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến cảm nhận về thời gian của bạn. (Ảnh minh họa/INT).

Những người trẻ tuổi có xu hướng phóng đại ước tính thời gian nếu họ nghe bốn bài hát ngắn so với hai bài hát dài hơn. Thế nhưng điều này dường như không ảnh hưởng đến nhận thức về thời gian của người lớn tuổi.

Một yếu tố môi trường khác có thể ảnh hưởng đến sự trễ nải là sự đông đúc. Trong một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Virtual Reality, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia ước lượng thời gian các chuyến tàu điện ngầm mô phỏng trong lúc đông đúc và khi thưa vắng.

Kết quả, những chuyến đông đúc được tính mất nhiều thời gian hơn 10% so với những chuyến thưa người, điều này dường như liên quan đến trải nghiệm khó chịu.

Tính cách cũng đóng một vai trò trong việc đến muộn. Waldum cho biết, một số đặc điểm tính cách, tâm trạng có thể khiến một số người quên nhiệm vụ mà họ đã lên kế hoạch.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Cognitive chỉ ra rằng, những người đảm đương nhiều công việc cùng một lúc ít có khả năng ghi nhớ và hoàn thành các nhiệm vụ theo lịch trình đúng hạn. Waldum nói: “Các kế hoạch được đặt ra có thể thất bại đơn giản vì chúng ta không dành đủ nguồn lực để thực hiện chúng”.

Grace Pacie, tác giả một quyển sách về chủ đề này, cho biết, những người đến muộn đôi khi không nhận thức được bản thân họ như vậy. “Chúng ta có thể đúng giờ khi tham dự những sự kiện có tính chất quan trọng, khi mà những hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra nếu chúng ta trễ nải, như lỡ chuyến bay chẳng hạn”. Tuy nhiên, trong những trường hợp không có hạn cuối cùng, những người chậm trễ thường không đúng thời gian.

Một số người rất khó đúng giờ vì họ cố tình trì hoãn các nhiệm vụ phải thực hiện. Giáo sư tâm lý học Fuschia Sirois ở Trường đại học Durham (Anh) nhận định, trễ giờ có thể là triệu chứng của sự trì hoãn. Việc này bắt nguồn từ mối quan hệ cảm xúc khó khăn với nhiệm vụ phải thực hiện.

Vậy những người thường xuyên trễ giờ có thể làm gì để đến đúng giờ trong các cuộc họp và tránh làm bạn bè và người thân thất vọng? Nhà nghiên cứu Grace Grace Pacie đề xuất đặt báo thức và lời nhắc trên điện thoại.

Một cách khác đã được cô thử nghiệm là đặt thời hạn trước sự kiện. “Phương cách yêu thích của tôi là đề nghị ai đó đi cùng. Điều đó có nghĩa là bạn phải sắp xếp để gặp họ vào thời điểm hợp lý để cùng có mặt ở một sự kiện cần thiết” - nhà nghiên cứu Grace Pacie cho biết.

Cập nhật: 07/06/2023 GDTĐ
  • 457