Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao một số người sỡ hữu một mái tóc thẳng mượt, một số khác lại có mái tóc xoăn bồng bềnh? Hóa ra, theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Experimental Biology năm 2018, có đến hai giả thuyết cho hiện tượng này.
Giả thuyết đầu tiên cho rằng tóc xoăn là do một lượng lớn tế bào tóc tập trung ở mặt lồi của nang tóc (rìa ngoài của sợi tóc) và số lượng tế bào tóc ở mặt lõm ít hơn (rìa trong của sợi tóc). Lượng tế bào ít hơn khiến rìa trong ngắn hơn, làm cho sợi tóc cong lại về phía trong.
Giả thuyết thứ hai cho rằng sự khác nhau giữa độ dài của tế bào tóc ở mặt lồi và mặt lõm là nguyên nhân tạo ra tóc xoăn. Tương tự như trên, sự khác nhau giữa độ dài rìa ngoài và rìa trong của sợi tóc tạo ra độ cong.
Đối với động vật có vú, những sợi lông xoăn có tác dụng giữ ấm tốt hơn so với lông thẳng. Trên thực tế, lông thẳng và lông xoăn sẽ đan xen với nhau tạo ra tuyến phòng thủ cuối cùng chống lại sự mất nhiệt.
Rất khó xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tóc xoăn ở người. (Ảnh: Shutterstock).
"Cấu trúc bộ lông điển hình của động vật có vú là cấu trúc rừng với cây bụi", trưởng nhóm nghiên cứu, Duane Harland cho biết. Anh là nhà khoa học cấp cao tại AgResearch, một trong những viện nghiên cứu lớn nhất của chính phủ New Zealand. Những sợi lông thẳng "tạo ra khoảng không gian sát da" và "những sợi lông xoăn nhỏ hơn lấp đầy không gian đó và giữ không khí bên trong", Harland trả lời.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Harland chỉ mới tiếp cận với giống cừu Merino. Rất khó để xác định liệu khả năng giữ nhiệt có phải là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tóc xoăn ở người hay không. "Đơn giản là không ai biết rõ về tóc người", Harland cho biết. "Các khía cạnh xã hội và khả năng phát triển công nghệ của chúng ra đã thay thế các chức năng sinh học ban đầu, ví dụ như mũ chẳng hạn, nên rất khó để xác định cụ thể".
Điều đó cho thấy chúng ta vẫn có thể học được rất nhiều thứ về nguồn gốc và khả năng sinh học của tóc từ những người bạn lắm lông hơn. Vì nếu bạn quay ngược thời gian, tóc và lông đều phát triển từ cùng một nguồn gene. "Lông của các loài động vật có vú là một thứ cổ xưa", Harland nói. Có thể nó đã phát triển từ trước cả loài khủng long, Harland nhấn mạnh. (Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Scientific Reports năm 2016, sau khi phân tích 29 hóa thạch hộp sọ của một số loại cổ đại có họ hàng với động vật có vú ngày nay cho thấy những loài sinh vật cổ đại này có lông).
Để kiểm nghiệm hai giả thuyết trên, Harland và đồng nghiệp đã sử dụng kính hiển vi để phóng to một sợi lông cừu và đo đếm sự khác biệt giữa số lượng và kích thước tế bào ở cả rìa trong và rìa ngoài của sợi lông. Gần như ngay lập tức, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng bác bỏ giả thuyết cho rằng số lượng tế bào tạo ra sự uốn cong.
"Chúng tôi tìm ra bằng chứng mâu thuẫn với giả thuyết cho rằng sự uốn cong là do mặt bên ngoài có số lượng tế bào nhiều hơn", anh nói. Nguyên nhân là vì trong mọi trường hợp, anh đều phát hiện tế bào ở rìa ngoài sợi lông dài hơn, "phát hiện đã củng cố cho giả thuyết sự uốn cong tạo ra bởi khác biệt độ dài tế bào", Harland cho biết.
Tuy vậy, nó không hề đơn giản như thế. Mọi thứ không dừng lại ở đó. "Chúng tôi chưa xem xét toàn bộ một sợi lông", Harland cho biết. Nghiên cứu của anh mới chỉ quan sát một đoạn lông cừu dưới kính hiển vi. Sợi lông uốn cong có thể là vì nguyên nhân trên, nhưng cũng có thể vì lực xoắn tạo ra sự khác biệt trong độ dài tế bào, do vậy làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, Harland cho biết.
Ngay cả khi một đoạn cắt có thể đại diện cho cả một sợi lông hoàn chỉnh thì cũng không có nghĩa là giả thuyết thứ nhất sai. Có thể một loại lông khác của một loài động vật khác uốn cong vì một lý do khác.
Harland nhấn mạnh "Áp đặt kết quả cho mọi trường hợp là hết sức kiêu ngạo".
Anh cho rằng "Chính vì vậy, cần có thời gian để nghiên cứu thêm. Sẽ rất tuyệt nếu các nhà khoa học khác có thể mô phỏng hoặc phát triển nghiên cứu của chúng tôi. Có lẽ họ sẽ phát hiện ra điểm sai của chúng tôi, hy vọng không phải là cái sai quá lớn, nhưng đó mới là khoa học".