Thời gian trong não bộ trôi chậm hơn 8% khi bạn tập thể dục

  •  
  • 201

Muốn biết thời gian trôi chậm như thế nào, bạn hãy thử động tác "plank".

Cho dù đó là yoga, chạy bộ hay tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT), đa số mọi người trước khi tham gia vào một bộ môn thể dục mới đều khá là lạc quan.

Tập động tác Plank, bạn sẽ cảm nhận được thời gian trôi chậm như thế nào.
Tập động tác Plank, bạn sẽ cảm nhận được thời gian trôi chậm như thế nào.

Chúng ta thường nghĩ rằng các bài tập này tương đối đơn giản, nhất là khi nói đến khoảng thời gian đầu tiên của chúng:

Ví dụ, một buổi yoga cho người mới nhập môn thông thường chỉ kéo dài 30 phút. Một buổi chạy bộ cho người mới cũng vậy. Bạn chỉ cần chạy liên tục 2 phút rồi đi bộ 2 phút sau đó lặp đi lặp lại.

HIIT thậm chí còn đòi hỏi ít thời gian hơn thế. Cả buổi tập chỉ đòi hỏi bạn bỏ ra 10 phút, trong đó, các bài tập chỉ kéo dài vỏn vẹn 30 giây.

Nhưng sự thật là gì? Hầu hết những người mới tập luyện đều không tập luyện được liên tục trong khoảng thời gian cần thiết.

Bạn sẽ đếm ngược đoạn cuối của 30 phút yoga, 2 phút chạy bộ và 30 giây HIIT trong tuyệt vọng. Thứ duy nhất bạn muốn lúc này chỉ là cầu mong sao cho kim giây của chiếc đồng hồ trên tường phòng tập, trên máy chạy bộ hoặc trên cổ tay bạn sẽ trôi nhanh lên.

Trớ trêu thay, chúng sẽ trôi chậm hơn, ít nhất là 8% - theo một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Não bộ và Hành vi.

Nghiên cứu này là lần đầu tiên các nhà khoa học "chứng minh được một cách thuyết phục rằng nhận thức về thời gian của con người sẽ chậm lại trong khi tập thể dục", giáo sư Andrew Mark Edwards, một nhà khoa học thể thao đến từ Đại học Canterbury Christ Church, Anh Quốc cho biết.

Để khẳng định cho giả thuyết của mình, giáo sư Edwards và các đồng nghiệp đã mời 33 người trưởng thành tham gia vào một thử nghiệm trong nghiên cứu.

Họ được yêu cầu ước lượng và đếm ngược khoảng thời gian 30 giây mà không được dùng đồng hồ - nghĩa là những người tham gia chỉ đếm ngược dựa trên thời gian họ cảm nhận được bằng não bộ.

Bài kiểm tra diễn ra trong hai tình huống: khi đang ngồi nghỉ ngơi và khi họ đang tập thể dục, cụ thể là đạp một chiếc xe đạp mô hình với quãng đường thử nghiệm 4km.

Kết quả cho thấy khi các tình nguyện viên nghỉ ngơi, họ đã đếm ngược 30 giây chậm hơn so với đồng hồ. Điều đó có nghĩa là thời gian trong não bộ họ đang co lại, họ sẽ cảm thấy thời gian thực trôi nhanh hơn.

Ngược lại, tất cả những người đang đạp xe đều đếm nhanh hơn, nghĩa là họ có cảm giác về thời gian thực đang trôi quá chậm. Các nhà khoa học đã tính toán để thấy khoảng chênh lệch này lên tới 8%. Nghĩa là cứ mỗi phút tập thể dục trôi qua, bạn sẽ cảm tưởng như nó dài ra thêm 4,8 giây.

 Nhận thức về thời gian của con người sẽ chậm lại trong khi tập thể dục.
Nhận thức về thời gian của con người sẽ chậm lại trong khi tập thể dục. (Ảnh minh họa).

"Thuyết tương đối của Einstein đã thừa nhận sự tương đồng giữa tính tương đối của thời gian vật lý và tâm lý hơn một thế kỷ trước: "Khi một người đàn ông ngồi với một cô gái xinh đẹp trong một giờ, nó giống như một phút. Nhưng hãy để anh ấy ngồi trên bếp nóng trong một phút - và nó sẽ dài hơn bất kỳ giờ nào. Đó là thuyết tương đối", các nhà khoa học viết trong nghiên cứu.

"Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng tập thể dục làm sai lệch nhận thức về thời gian (thời gian chủ quan), tạo cảm giác rằng thời gian trôi chậm lại, dẫn đến việc đánh giá thấp thời gian thực đã trôi qua. Có ý kiến cho rằng quan sát này có thể có tác động đối với các vận động viên thi đấu khi họ đang chạy đua với đồng hồ hoặc đối thủ".

Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, giáo sư Edwards và các đồng nghiệp đã chứng minh hiệu ứng trôi chậm của thời gian xảy ra ngay cả khi bạn tập thể dục một mình.

Cụ thể, khi những người đạp xe đạp được cho thực hiện lại bài tập với mô phỏng trước màn hình, khi họ đang phải đua với một đối thủ cạnh tranh, hoặc không cần phải chạy đua, 30 giây mà họ ước lượng vẫn bị kéo giãn ra một khoảng không đổi, khoảng 8%, tương ứng với 2,4 giây.

Điều này có nghĩa là hiệu ứng trôi chậm của thời gian trong não bộ khi chúng ta tập thể dục xảy ra độc lập với cường độ hoặc sự cạnh tranh.

Trong tất cả các thử nghiệm và ở mọi mức độ cường độ, những người tham gia nghĩ rằng thời gian trôi qua với tốc độ như nhau và chậm hơn so với lúc nghỉ ngơi, giáo sư Edwards cho biết.

Giải thích về hiệu ứng này, ông viết:

"Nhận thức chủ quan về thời gian có thể bị bóp méo theo một trong hai hướng chẳng hạn như thời gian dường như trôi nhanh khi chúng ta không chú ý đến thời gian đã trôi qua. Ngược lại, nó sẽ chạy chậm lại khi chúng ta tăng sự chú ý vào khoảng thời gian đó.

Áp dụng điều này trong bối cảnh thể thao, khi các tín hiệu đau tiêu cực do tập thể dục gây ra đến não, làm tăng sự chú ý, các cá nhân đạt đến trạng thái liên kết cao về nhận thức xung động và tập trung nhiều hơn vào thời gian trôi qua, dẫn đến họ thấy thời gian trôi đi chậm hơn".


Cảm giác đau trong khi tập luyện cũng có thể khiến chúng ta chú ý vào thời gian và thấy nó  trôi chậm hơn. (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu mới phù hợp với các phát hiện trước đây cho thấy nhận thức thời gian của con người có thể thay đổi dựa trên tuổi tác, cảm xúc, việc sử dụng chất kích thích, ma túy, và giờ là tập thể dục.

Một số nhà tâm lý học cho biết, việc tập thể dục có thể tạo ra nhận thức sai lệch về thời gian do sự hưng phấn do các hormone tiết ra trong quá trình tập luyện gây ra.

Ngoài ra, cảm giác đau trong khi tập luyện cũng có thể khiến chúng ta chú ý vào thời gian và cảm thấy nó trôi đi chậm hơn. Trước đây, cũng có một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ung thư bị đau đớn trong khi hóa trị cảm thấy thời gian truyền thuốc của họ kéo dài gần như bất tận.

Bất kể nguyên nhân là gì, giáo sư Edwards và các đồng nghiệp cho biết nghiên cứu của họ có ý nghĩa rất lớn đối với các vận động viên, những người đang tính toán các chiến thuật chi li đến từng giây trên đường đua hay cuộc cạnh tranh của họ.

Nhận thức được rằng nhận thức thời gian của mình đang bị lệch khoảng 8% sẽ cho phép họ điều chỉnh chính xác chiến thuật đua của mình. Ngoài ra, nghiên cứu cũng là một minh chứng cho thấy hiệu ứng nhận thức thời gian của con người có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Đôi khi bạn thấy thời gian trôi quá nhanh, đôi khi, bạn lại thấy nó trôi quá chậm. Điều này là hoàn toàn bình thường và có thể được giải thích bằng "thuyết tương đối của Einstein" cho tâm lý học.

Còn đối với một người trong phòng tập thể dục, bây giờ, bạn sẽ có lý do để đứng dậy và xin phép huấn luyện viên của mình về sớm 5 phút. Bởi một tiếng ở phòng tập, thực ra đang trôi chậm hơn trong não bộ của bạn 4,8 phút so với đời thực.

Cập nhật: 17/05/2024 PNVN
  • 201