Vì sao Nguyệt thực chưa bao giờ được các tiền nhân hào hứng chờ đón?

  •   43
  • 2.692

Sự trỗi dậy của quỷ dữ, những con thú hoang dã hiếu chiến, hay rất nhiều các hình tượng ghê rợn khác, đều chính là nguyên nhân dẫn đến việc Mặt Trăng bị "ăn" mất và đổ máu đẫm ướt trên bầu trời.

Ngày nay khi khoa học tiến bộ, chúng ta biết rõ Nguyệt thực toàn phần là một hiện tượng thiên văn và mức độ xảy ra khá thường xuyên của nó. Nhưng vào hàng trăm năm trước đây, sự chuyển màu đỏ của Mặt Trăng trên bầu trời thật sự là một dấu chỉ của việc chẳng lành. Đó là lý do mà Nguyệt thực chưa bao giờ là sự kiện được đón chờ và được quan sát với tâm trạng hào hứng bởi những tiền nhân trong quá khứ.

Beo rừng ăn thịt Mặt Trăng

Người thổ dân da đỏ của Đế quốc Inca ở Nam Mỹ trông thấy nguyệt thực mà hoảng sợ vô cùng. Những người Inca cho rằng, những con beo dữ tợn nhất rừng xanh đã tấn công và xé Mặt Trăng ra thành nhiều mảnh để ăn thịt, khiến Mặt Trăng bị thương đẫm máu.

Những người Inca khua chiêng đánh trống
Những người Inca khua chiêng đánh trống cũng như quấy rối những con chó để tạo âm thanh inh ỏi nhằm đuổi loài thứ dữ ra khỏi vương quốc. (Ảnh: Corbis Archive).

Những loài thú dữ dám tấn công cả Mặt Trăng, thì việc nó trở lại mặt đất để vồ lấy và ăn thịt người là hợp lý và đáng phải run sợ. Để ngăn chặn chuyện chẳng lành, những người to khỏe nhất vương quốc sẽ tập trung lại và khua chiêng múa kiếm, tạo ra âm thanh inh ỏi nhằm xua đuổi loài thú dữ. Họ thậm chí còn quấy rối những con chó để chúng sủa suốt thời gian diễn ra nguyệt thực.

Điềm dữ báo trước cho Hoàng đế

Nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại cho rằng, sự việc xảy ra trên thiên quốc là tương lai báo trước cho những sự việc xảy ra ở trần gian. Khi trông thấy Mặt Trăng hóa đỏ, họ biết rằng nhà trời đang bị quân nổi loạn xâm chiếm khiến máu nhuộm hết thiên cung, và điều này chắc chắn sẽ xảy ra với họ trong tương lai không xa.

Để chắc chắn rằng vị Hoàng đế của mình không bị sát hại, họ tìm một người có ngoại hình giống với Đức Vua và cho người đó lên ngôi vương trong một thời gian ngắn để nhận lấy cái chết thay cho nhà vua. Khi nguyệt thực đi qua, người đàn ông thay thế sẽ bị dâng tế cho thần linh và bị xử tử sau đó.

Cầu nguyện cho sức khỏe của Mặt Trăng

Những người trong bộ lạc Hupa bản địa sống ở bắc California ngày nay có một câu chuyện kết thúc có hậu hơn đối với Nguyệt thực. Người Hupa cho rằng, Vị thần Mặt Trăng có 20 người vợ cùng rất nhiều thú nuôi, chúng đều là các loài thú dữ trong rừng sâu như sư tử và rắn độc.

Khi thần Mặt Trăng không cho chúng ăn no, chúng sẽ trở nên hung dữ và tấn công khiến Mặt Trăng chảy máu đầm đìa. Những người vợ thấy thế sẽ thay chồng cho bầy thú ăn no và chăm sóc vị phu quân thật tử tế để ông mau chóng có lại được vẻ đẹp của mình.

Vì lo lắng cho sức khỏe của Thần Mặt Trăng, những người Hupa khi trông thấy Mặt Trăng hóa đỏ sẽ cùng ca hát và nhảy múa với nhau, họ cho rằng Mặt Trăng đang gặp nạn nên phải cùng cất vang câu ca, vừa tạo không khí vui tươi cho thiên giới, vừa cầu nguyện cho Mặt Trăng mau lành vết thương.

Mặt Trời và Mặt Trăng đánh nhau

Người Batammaliba cổ đại sống ở nước Togo và nước Benin ngày nay, thuộc khu vực Tây Phi có câu chuyện dân gian, rằng Mặt Trời và Mặt Trăng đánh nhau khi nguyệt thực xảy ra để tranh giành thời gian xuất hiện trên bầu trời. Họ đánh nhau đến nỗi chảy máu lênh láng và người dân trong làng phải tập trung lại để khấn xin họ ngừng tay.

Những nghi lễ được cử hành bởi già làng, tất cả người dân trong làng đều phải có mặt và tạo nên một đám đông rất lớn cùng cất vang lời nguyện xin sự hòa bình. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Mặt Trăng sẽ trở lại màu sắc như bình thường, trưởng làng cho biết thiên nhiên đã hòa thuận, mọi người hãy sống yêu thương nhau và vụ mùa tiếp theo sẽ bội thu gặt hái.

Vậy Nguyệt thực toàn phần thật sự là gì?

Tối ngày 31 tháng 1 năm 2018, Việt Nam sẽ quan sát được trọn vẹn hiện tượng Nguyệt thực toàn phần từ 17 giờ 52 phút đến 23 giờ 09 phút. Không chỉ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, mà cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ quan sát được hiện tượng này.

Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ cam trên bầu trời khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra.
Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ cam trên bầu trời khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra. (Ảnh: Alphonse Sterling).

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, và cả ba thiên thể này nằm thẳng hàng nhau. Lúc này Trái Đất sẽ che đi ánh sáng từ Mặt Trời đến Mặt Trăng, nhưng những tia sáng với có ánh sáng màu đỏ cam với bước sóng dài đi qua được bầu khí quyển Trái Đất và chiếu lên Mặt Trăng, khiến Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ.

Khi quan sát nguyệt thực, bạn có thể quan sát trực tiếp bằng mắt thường vì ánh sáng Mặt Trăng dịu nhẹ và không gây hại cho mắt như khi quan sát Mặt Trời lúc xảy ra nhật thực. Bạn có thể sử dụng kính thiên văn để quan sát cận cảnh bề mặt của Mặt Trăng vào khoảnh khắc nó chuyển sang màu đỏ cam.

Cập nhật: 26/01/2018 Theo khampha
  • 43
  • 2.692