Vì sao những món đồ thất lạc ở Nhật Bản lại có thể tìm về với chủ?

  •   54
  • 2.446

Hãy cùng khám phá bí mật về hành trình lạc mất và tìm thấy của những chiếc ví ở Nhật Bản.

Mọi người thường đề cao sự an toàn của xã hội Nhật Bản, nơi bạn có thể lăn ra ngủ ở vỉa hè hay tàu điện sau ngày dài làm việc. Thậm chí, cảnh sát từng rảnh đến mức xử lý luôn các vụ nhỏ nhặt như mất trộm 1 quả nho.

Và 1 trong số những "huyền thoại" được biết đến nhiều nhất về Nhật Bản là: Nếu bạn làm mất ví, đừng quá lo lắng vì chúng sẽ tự tìm về thôi! Điều này liệu có đúng như lời đồn?

Nhiều người sẽ trả lời là có! Theo thống kê từ Sở cảnh sát đô thị Tokyo năm 2017, tổng cộng ghi nhận gần 4 triệu tài liệu và vật phẩm đánh rơi được người dân giao cho cảnh sát.

Trong khi đó, số vụ báo mất tài sản là khoảng 1 triệu 20 ngàn trường hợp. Có thể thấy số của rơi được tìm thấy nhiều gấp 4 lần số tài sản báo mất. Nghĩa là người Nhật có xu hướng muốn hoàn lại đồ vật, ngay cả khi chủ nhân món đồ đã từ bỏ hy vọng mất rồi.

Những chiếc ô nằm chờ chủ nhân trong đồn cảnh sát.
Những chiếc ô nằm chờ chủ nhân trong đồn cảnh sát.

Dĩ nhiên không phải lúc nào người Nhật cũng tìm được đồ đánh rơi. Nhưng so với nhiều nơi trên thế giới, tỷ lệ tìm thấy thật sự đáng kinh ngạc, cảnh sát Tokyo ước đoán khoảng 73,2% tiền mặt đã về với "khổ chủ"!

Theo trang Live Japan, tổng số tiền người dân nhặt được và nộp cho cảnh sát trong năm 2017 lên tới 75,5 triệu yên, tương đương 15,7 tỷ đồng, thật sự lớn khủng khiếp!

Con số kinh khủng như vậy dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân sâu xa. Nếu bạn nghĩ đơn thuần chiếc ví được tìm thấy là nhờ vào lòng trung thực thì chưa chính xác lắm đâu...

Nguyên nhân đầu tiên: Pháp luật quy định cụ thể việc giao nộp của rơi và hậu tạ

Luật pháp Nhật Bản quy định ai nhặt được của rơi "phải nhanh chóng trả lại cho chủ hoặc giao nộp cảnh sát, bất chấp giá trị món đồ". Sau đó nếu món đồ được tìm thấy, pháp luật cũng yêu cầu người làm mất phải hậu tạ "ít nhất là 5% và nhiều nhất là 20% giá trị tài sản cho người nhặt được".

Hàng ngày rất nhiều người đến gặp cảnh sát để trao trả của rơi.
Hàng ngày rất nhiều người đến gặp cảnh sát để trao trả của rơi.

Sau khi cảnh sát thu nhận của rơi, chúng sẽ được đăng lên website trong vòng 3 tháng (nếu món đồ từng bị chôn cất thì thời gian tăng lên 6 tháng). Sau thời gian này, nếu không ai nhận thì người nhặt được sẽ là chủ nhân mới của món đồ. Duy có ngoại lệ là điện thoại di động, bằng lái xe và những giấy tờ/vật tùy thân khác sẽ tiếp tục do cảnh sát lưu giữ.

Và do luật quy định người dân phải nộp lên mọi món đồ dù đắt hay rẻ, nên ngày nào cảnh sát cũng tiếp nhận hàng tá chiếc ô, quần áo, trang sức bình thường,... Nếu sau 2 tuần mà những vật phẩm giá trị thấp này không có ai nhận, chúng sẽ về với chủ nhân mới hoặc bị tiêu hủy.

Nhờ những quy định chặt chẽ trên mà người Nhật luôn nhanh chóng báo cảnh sát khi bị mất đồ. Ngược lại, họ cũng ý thức tuân thủ điều luật khi tìm thấy những đồ vật không thuộc về mình.

Nguyên nhân thứ hai: Giá trị đạo đức Nhật Bản đề cao lòng trung thực

Trẻ em Nhật Bản đã được dạy phải giao nộp của rơi, đừng nảy sinh lòng tham.
Trẻ em Nhật Bản đã được dạy phải giao nộp của rơi, đừng nảy sinh lòng tham.

Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, ngay từ tiểu học, trẻ em Nhật Bản đã được dạy phải giao nộp của rơi, đừng nảy sinh lòng tham mà biến nó thành của riêng.

Những bài học này được nhắc lại nhiều lần, cộng thêm tinh thần kỉ luật cao nên nhìn chung người Nhật cho rằng việc giao nộp của rơi là "điều bình thường, quy tắc ứng xử chung, không có gì đáng phải bàn cãi hay ngưỡng mộ"!

Nguyên nhân thứ ba: theo truyền thống người Nhật quan niệm rằng nếu nảy sinh lòng tham sẽ bị Thánh Thần trừng phạt


Người Nhật tin rằng nếu mặc quần áo hay sử dụng đồ vật của người khác mà không có sự đồng ý thì sẽ bị trừng phạt.

Ở Nhật Bản, niềm tin "vạn vật đều là Thần" (mỗi đồ vật đều có 1 vị Thần đứng sau bảo hộ, kèm theo đó là những truyền thuyết và điển tích thú vị) đã ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức và lối sống của người dân.

Người Nhật tin rằng nếu mặc quần áo hay sử dụng đồ vật của người khác mà không có sự đồng ý thì sẽ bị trừng phạt. Và cho đến ngày nay, triết lí từ Thần Đạo Nhật Bản vẫn có sức ảnh hưởng rất sâu rộng.

Hơn nữa, ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được dạy rằng hãy tưởng tượng nếu mình làm mất ví tiền hay món đồ kỉ niệm thì sẽ lo lắng đến mức nào.

Từ đó, việc đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận đã trở thành nếp nghĩ hằn sâu vào tâm trí người dân xứ hoa anh đào.

Tạm kết

Đúng như nhiều người đã nghĩ, người Nhật rất đề cao lòng trung thực. Nhưng bên cạnh đó, pháp luật của họ còn quy định chặt chẽ về việc "tìm thấy của rơi, trả người đánh mất". Điều này dường như chỉ có ở đất nước mặt trời mọc, trong khi Anh, Mỹ, Đức, Canada và nhiều nước khác chỉ bắt giao nộp cảnh sát những tài sản có giá trị cao mà thôi.

Kết hợp với pháp luật, đạo đức còn là cách suy nghĩ và lối hành xử theo Thần Đạo, theo văn hóa đặc sắc của xứ Phù Tang. Nhiều lí do như thế đã hòa nguyện vào nhau, khiến người ta thường muốn trả lại của rơi để không thẹn với lòng, không sai pháp luật cũng như "vừa lòng đẹp ý" cả người đời lẫn Thánh Thần.

Người nhật
Dù ở Nhật hay bất kì đâu thì mỗi người hãy cố bảo vệ tư trang của mình cho thật cẩn thận nhé.

Dù vậy, trên đời không có gì là hoàn hảo. Bạn biết không, ở đường phố Nhật Bản, những thứ dễ bị mất nhất không phải là tiền hay điện thoại mà là xe đạp và những chiếc ô nhựa rẻ tiền! Cuộc sống mà, vào những ngày mưa tầm tã thì để ô bên ngoài cửa hàng tiện lợi là bị mất như chơi. Vì vậy, dù ở Nhật hay bất kì đâu thì mỗi người hãy cố bảo vệ tư trang của mình cho thật cẩn thận nhé!

Cập nhật: 29/10/2018 Theo helino
  • 54
  • 2.446