Vì sao phi hành gia không thể dùng bút chì ngoài vũ trụ?

Sự thật về câu chuyện dùng bút chì ngoài vũ trụ
  •  
  • 1.190

Những mảnh vụn từ bút chì trôi nổi trong không gian, ruột bút chì có thể gãy và gây nguy hiểm cho các phi hành gia và các thiết bị trên môi trường không trọng lực.

Những năm 1960, khi lần đầu tiên rời khỏi bề mặt Trái đất để đến với môi trường vi trọng lực ngoài không gian, con người nhanh chóng phát hiện loại bút bi thiết kế cho môi trường có trọng lực dưới mặt đất trở nên kém hiệu quả.


Phi hành gia NASA Pamela Melroy kiểm tra danh sách các quy trình trên tàu con thoi Atlantis bằng bút bi năm 2002. (Ảnh: NASA).

Theo lời kể, NASA tốn hàng triệu USD để phát triển loại bút bi dùng được trong môi trường vi trọng lực. Tuy nhiên, các phi hành gia Liên Xô được cho là đã giải quyết vấn đề chỉ bằng cách dùng bút chì. Câu chuyện này trở thành giai thoại thú vị lưu truyền suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, phần lớn câu chuyện không phải sự thật, Science Alert hôm 9/6 đưa tin.

Ban đầu, các phi hành gia Liên Xô và Mỹ đều sử dụng bút chì ngoài vũ trụ. NASA đã chi một khoản tiền để nghiên cứu bút bi dùng trong không gian, nhưng cũng sớm loại bỏ dự án khi thấy chi phí sẽ đội lên.

Công ty tư nhân Fisher Pen đã tự bỏ tiền để phát triển một loại bút mới mang tên Fisher Space. Cuối những năm 1960, sau khi bút Fisher Space được tung ra thị trường, các phi hành gia Liên Xô và Mỹ đều dùng loại bút này khi cần viết trong môi trường vi trọng lực.

Vậy tại sao phi hành gia không sử dụng bút chì? Nguyên nhân là họ không muốn các mảnh vụn từ bút chì trôi nổi trong không gian. Ruột bút chì có thể gãy và gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, họ cũng không muốn tàu vũ trụ có những mảnh gỗ dễ cháy bay lơ lửng hay những hạt than chì dẫn điện siêu nhỏ rơi ra từ bút chì khi viết.

Bất kỳ hạt nhỏ nào có khả năng kẹt trong máy móc tinh vi đều là mối nguy hiểm trên không gian. Hỏa hoạn cũng là vấn đề lớn trong tàu vũ trụ và NASA không hề coi nhẹ vấn đề này, đặc biệt là sau vụ cháy giết chết cả ba thành viên của nhiệm vụ Apollo 1 năm 1967.

Bút bi thời đó cũng là một mối nguy hiểm. Loại bút bi thành công về mặt thương mại đầu tiên ra mắt vào năm 1945 và thường xuyên rò rỉ, theo Paul C. Fisher, nhà sáng lập công ty Fisher Pen. Những giọt mực trôi nổi cũng không phải là thứ mà các phi hành gia muốn thấy trên tàu vũ trụ.

Phi hành gia R. Walter Cunningham trong nhiệm vụ Apollo 7 sử dụng bút Fisher Pen năm 1968.
Phi hành gia R. Walter Cunningham trong nhiệm vụ Apollo 7 sử dụng bút Fisher Pen năm 1968. (Ảnh: NASA).

Các phi hành gia Apollo từng sử dụng bút dạ do công ty Duro Pen sản xuất. Thực tế, bút dạ còn cứu nguy cho nhiệm vụ Apollo 11 khi một công tắc quan trọng bị vỡ. Phi hành gia Buzz Aldrin nhét ruột bút vào lỗ hổng mà nó để lại, cho phép module tàu vũ trụ cất cánh từ Mặt Trăng. Tuy nhiên, họ cũng sử dụng bút bi sau khi Paul C. Fisher, cùng với Friedrich Schächter và Erwin Rath, hoàn thiện bút không gian, nộp bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1965.

Các nhà khoa học đã thêm nhựa vào mực để tránh rò rỉ. Bên cạnh đó, loại bút mới sử dụng hộp mực điều áp và hoạt động được trong nhiều điều kiện mà bút bi thông thường sẽ gặp khó khăn: nhiệt độ dao động lớn, viết lộn ngược hoặc viết trên bề mặt trơn nhờn.

Fisher đề xuất bán cho NASA loại bút mới. Sau khi thử nghiệm nghiêm ngặt, NASA quyết định mua chúng cho các sứ mệnh Apollo. Cuối cùng, bút Fisher Space ra mắt trên tàu Apollo 7 vào năm 1968.

Bút Fisher Space ngày nay vẫn được sử dụng, nhưng giờ các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có nhiều lựa chọn hơn. Họ được cung cấp bút Sharpie nhiều màu và cả bút chì, nhưng là bút chì kim (bút chì bấm cơ khí) thay vì phiên bản vỏ gỗ.

"Bút chì kim thường được phi hành đoàn sử dụng để viết các giá trị số cần thiết nhằm tiến hành các quy trình trên tàu (thời gian khai hỏa, cấu hình động cơ...). Khả năng tẩy xóa trong lúc các quy trình diễn ra là một điều tuyệt vời, đặc biệt là khi tình huống thay đổi, mà điều này thường xuyên xảy ra", phi hành gia Clayton Anderson của NASA giải thích.

Ngòi chì vẫn có thể bị gãy, nhưng những tiến bộ công nghệ giúp hệ thống lọc trên trạm ISS có khả năng loại bỏ các mảnh vụn nguy hiểm khá hiệu quả.

Cập nhật: 13/06/2023 VnExpress
  • 1.190