Vì sao phụ nữ khó ngủ hơn đàn ông?

  •  
  • 266

Thay đổi hormone liên quan đến sinh sản và thời kỳ mãn kinh khiến cho phụ nữ có xu hướng gặp nhiều vấn đề giấc ngủ hơn so với nam giới.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, nhiều phụ nữ bị khó ngủ hơn so với nam giới. Nguyên nhân là tình trạng khó ngủ ở phụ nữ xuất hiện ở tuổi dậy thì và tiếp tục trong suốt tuổi trưởng thành do các yếu tố sinh học, tâm lý, theo Fiona Baker, Giám đốc Chương trình nghiên cứu giấc ngủ con người tại SRI International, một viện nghiên cứu phi lợi nhuận tại California.

Baker cho biết, trong suốt độ tuổi sinh sản, thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây thay đổi tâm trạng và các triệu chứng thể chất, như chuột rút, đầy hơi và căng ngực, tất cả đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

 Phụ nữ dễ gặp các vấn đề giấc ngủ do thay đổi nội tiết tố.
Phụ nữ dễ gặp các vấn đề giấc ngủ do thay đổi nội tiết tố. (Ảnh: Handout).

Đến khi mang thai, các triệu chứng như buồn nôn, thường xuyên đi tiểu, lo lắng và khó chịu nói chung, tùy thuộc vào tam cá nguyệt cũng gây ra rối loạn giấc ngủ, theo Shelby Harris, nhà thần kinh và tâm lý học tại Trường Y khoa Albert Enstein (Mỹ).

Sau đó, giấc ngủ của phụ nữ lại bị gián đoạn trong thời kỳ chăm sóc trẻ sơ sinh. Tình trạng này kéo dài ở người mẹ kể cả khi trẻ đã đến tuổi ngủ sâu qua đêm, vì bộ não vẫn bị ảnh hưởng bởi tình trạng cảnh giác và phản ứng nhanh hình thành sau khi sinh, Harris giải thích.

Nội tiết tố tiếp tục ảnh hưởng đến giấc ngủ trong những năm trước và sau giai đoạn mãn kinh. Baker cho biết có tới 80% phụ nữ bắt đầu bị bốc hỏa trong thời kỳ tiền mãn kinh, khoảng 4 năm trước khi mãn kinh, và tình trạng này có thể kéo dài vài năm. Đối với khoảng 20% phụ nữ, những cơn bốc hỏa này diễn ra thường xuyên và dữ dội đến mức làm gián đoạn giấc ngủ.

Phụ nữ sau mãn kinh cũng có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ, xảy ra khi các cơ của đường thở giãn ra và tạm thời cản trở hơi thở, dẫn đến thức giấc thường xuyên vào ban đêm. "Tăng cân liên quan đến thời kỳ mãn kinh và lão hóa cũng có thể gây ngưng thở khi ngủ, cùng với sự thay đổi trương lực cơ liên quan đến tuổi tác và sự phân bổ lại trọng lượng cơ thể nói chung", Baker giải thích.

Phụ nữ cũng là nhóm có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tâm thần cao, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ. Theo khảo sát của Gallup công bố vào tháng 5, tỷ lệ phụ nữ cho biết họ đang hoặc đã được điều trị trầm cảm cao hơn gấp đôi so với nam giới. Và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ nói rằng phụ nữ có nguy cơ bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn gấp đôi so với nam giới.

"Quan trọng nhất là nhìn nhận vấn đề và đừng đau khổ trong im lặng", Harris khuyến nghị. Chuyên gia cho biết thêm có các biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ và giảm các triệu chứng trầm cảm, chẳng hạn như xác định và điều chỉnh lại các kiểu suy nghĩ tiêu cực, theo dõi giấc ngủ và thay đổi giờ đi ngủ‌.

Trong khi đó, Baker cho biết liệu pháp thay thế hormone, bổ sung lượng hormone bị mất trong quá trình mãn kinh, có thể điều trị các cơn bốc hỏa và cải thiện giấc ngủ. "Tuy nhiên, chỉ nên dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất”, chuyên gia lưu ý, vì việc điều trị hormone có thể đi kèm với rủi ro.

Harris cho biết các dấu hiệu cho thấy khó ngủ trở thành bệnh lý và cần tham khảo bác sĩ là khi khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc thức dậy quá sớm, hoặc nếu cảm thấy giấc ngủ không được sảng khoái.

Cập nhật: 20/06/2023 Zing
  • 266