Đa số trẻ mới lớn dễ bị kích động, chỉ biết nghĩ tới bản thân, thiếu thận trọng vì não của chúng phát triển chậm hơn so với cơ thể.
Từ trước tới nay các nhà tâm lý luôn cho rằng những thay đổi hoóc môn khiến trẻ em mới lớn có những hành vi bất thường. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy não của thiếu niên có rất nhiều thay đổi về cấu trúc khi chúng bước sang độ tuổi đôi mươi.
Jay Giedd, một nhà khoa học của Viện Sức khỏe thần kinh quốc gia Mỹ, nghiên cứu 400 trẻ em để tìm hiểu cấu trúc não. Cứ hai năm họ tiến hành chụp cắt lớp não của tình nguyện viên một lần. Nhóm nghiên cứu nhận thấy chất xám (tế bào thần kinh) trong não trẻ em giảm 1% mỗi năm. Tình trạng này kéo dài cho tới khi các em bước vào độ tuổi đôi mươi.
Sự suy giảm chất xám làm giảm các kết nối thần kinh "thừa" được tạo ra quá nhiều trong giai đoạn phát triển nhanh của trẻ ở độ tuổi thiếu niên. Vùng não điều khiển vận động và cảm nhận là những nơi mất chất xám trước tiên. Tuy nhiên, chúng lại bước vào giai đoạn trưởng thành sớm hơn các vùng khác, tiếp theo là vùng não xử lý ngôn ngữ, không gian
Một trong những vùng não cuối cùng bước vào giai đoạn trưởng thành là thùy trước trán, nơi giúp con người suy xét, ra quyết định và kiểm soát sự bốc đồng. Các nhà khoa học cho rằng, do thùy trước trán bước vào tuổi trưởng thành muộn nên phần lớn trẻ ở độ tuổi mới lớn thường ra những quyết định nông nổi và kỳ quặc.
Thùy trước trán cũng kiểm soát và xử lý thông tin về cảm xúc. Điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao trẻ ở độ tuổi vị thành niên dễ nổi nóng.
Khi chất xám mất đi, não sẽ có thêm chất trắng - một loại mô mỡ có chức năng truyền dẫn các xung điện trong não và ổn định các kết nối thần kinh. Giới chuyên gia thần kinh cho biết, ở giai đoạn trưởng thành, bộ não có vai trò quan trọng đối với việc tiếp thu tri thức và vốn sống. Nhưng do không kiểm soát được sự bốc đồng nên thiếu niên dễ bị thu hút bởi những hành vi liều lĩnh như uống rượu, dùng ma túy, hút thuốc, quan hệ tình dục hay lái xe tốc độ cao.