Vị thuốc từ cây sim

  •   22
  • 6.082

Nụ sim sắc nước chữa đau bụng, tiêu chảy. Cao lá sim có thể chữa bỏng hiệu quả. Sim có tên khác là hồng sim, dương lê, đào kim nương.

Sim

Cây sim (Ảnh: ND)

Cây nhỏ, cao 1 - 3m. Thân cành mầu nâu. Lá mọc đối, có 3 gân rõ, phiến dày, mặt dưới có lông tơ. Hoa mầu hồng tím. Quả mọng mầu tím sẫm, ăn được. Cây mọc tự nhiên ở đồi cùng với cây mua.

Cây sim cho nhiều bộ phận dùng làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian: Búp non thu hái vào mùa xuân, lá hái quanh năm, nụ hoa và quả hái vào mùa hạ. Phơi khô.

Búp sim hoặc nụ hoa sim (8 - 16g) thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml uống làm hai lần trong ngày, chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Có thể tán thành bột mà uống. Búp sim nấu nước, rồi cô đặc được dùng sát khuẩn vết thương. Búp sim (16g) phối hợp với búp ổi (6g), hoàng liên (10g), lá phèn đen (10g), liên kiều (12g), cát căn (10g) sắc uống có tác dụng chữa lỵ trực khuẩn. Dùng 3 - 5 ngày.

Quả sim chín (10 - 20g) ngâm rượu uống làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa cơ thể suy nhược.

Rễ sim đôi khi cũng được dùng để chữa tử cung xuất huyết, đau xương, lưng gối nhức mỏi.

Đặc biệt, sim được nhiều cơ sở nghiên cứu và sử dụng làm thuốc chữa bỏng có kết quả rất tốt. Lá sim (1kg) băm nhỏ nấu với 20 lít nước làm nhiều lần rồi cô thành 250g cao. Ngày bôi nhiều lần, thường chỉ dùng khoảng 10 - 12 ngày là khỏi. Dùng cao lá sim không thấy xót, giảm đau nhanh, chống loét lây lan, làm vết thương sạch khô, không có mùi và mau lành.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc người ta dùng lá sim để chữa sốt, ngộ độc; quả sim làm thuốc bổ, dễ tiêu, chữa rắn cắn. Ở Malaysia, quả chữa tiêu chảy, nước sắc rễ hoặc lá sim chữa đau dạ dày, tiêu chảy, sản hậu. Ở Indonesia lá sim giã, hơ nóng chữa vết thương.

Dược sĩ ĐỖ HUY BÍCH

Theo sách Thuốc từ cây cỏ và động vật, Nhân dân
  • 22
  • 6.082