Giữa nắng nóng hơn 50 độ C, UAE thành công tạo mưa như trút nước

  •   4,47
  • 29.568

Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đang sử dụng kỹ thuật "gieo mây" để tạo ra những cơn mưa nhân tạo, làm dịu nắng nóng gay gắt hơn 50 độ C của một trong những quốc gia khô cằn nhất thế giới.

Theo BBC, mưa nhân tạo ở UAE được hình thành bằng cách sử dụng máy bay không người lái, phóng điện tích vào các đám mây để "tập hợp" chúng lại với nhau và tạo ra mưa.

UAE là một trong những quốc gia khô cằn nhất thế giới và các nhà khoa học hy vọng kỹ thuật tạo mưa nhân tạo này có thể giúp tăng lượng mưa hàng năm vốn rất ít ỏi của quốc gia Trung Đông.

Thực tế, kỹ thuật tạo mưa này đã thành công. Video do Trung tâm khí tượng quốc gia UAE công bố cho thấy mưa lớn xối xả đã xuất hiện trên khắp cả nước.

Nhiều vũng nước được trông thấy bên đường khi các tài xế điều khiển xe đi trong làn mưa nặng hạt, dù quốc gia này đang trải qua đợt nắng nóng giữa hè. Nhiệt độ ở một số khu vực của UAE ở mức trên 50 độ C.

Máy bay không người lái được sử dụng trong kỹ thuật "gieo mây".
Máy bay không người lái được sử dụng trong kỹ thuật "gieo mây". (Ảnh: UR)

Minh họa các bước tạo mưa nhân tạo ở UAE
Minh họa các bước tạo mưa nhân tạo ở UAE: 1. Phóng máy bay không người lái có gắn thiết bị phát điện lên độ cao nhất định. 2. Người điều khiển kích hoạt để máy bay không người lái phóng điện vào các đám mây. 3. Các giọt nước được tích tụ và kết dính, đủ nặng sẽ rơi xuống tạo ra mưa. (Ảnh: Daily Mail).

Trung tâm khí tượng quốc gia UAE cho biết, lượng mưa của quốc gia Hồi giáo đã được tăng thêm nhờ kỹ thuật được gọi là "gieo mây". Mục đích của kỹ thuật này là tăng ngưng tụ nước trong các đám mây và từ đó tạo ra mưa lớn.

Việc tạo mưa sử dụng kỹ thuật "gieo mây" đang được nhóm chuyên gia tại Đại học Reading (Anh) nghiên cứu. Giáo sư Maarten Ambaum, người làm việc trong dự án mưa nhân tạo ở UAE, chia sẻ trên BBC rằng, hồi đầu năm nay, UAE có đủ lượng mây để tạo ra mưa nhân tạo bằng kỹ thuật "gieo mây".

Kỹ thuật này sử dụng một máy bay không người lái để phóng điện tích vào các đám mây, giúp các giọt nước hợp nhất và dính với nhau tạo ra mưa - "giống như khi chải đầu, lược bị tích điện sẽ hút các sợi tóc rụng".

"Khi các giọt kết hợp đủ lớn và nặng, chúng sẽ rơi xuống dưới và tạo thành mưa", giáo sư Ambaum nói.

Hồi tháng 3, Alya Al-Mazroui, giám đốc chương trình nghiên cứu khoa học tăng cường mưa của UAE, chia sẻ trên Arab News: "Được trang bị một lượng lớn các thiết bị phát điện và cảm biến tùy chỉnh, những chiếc máy bay không người lái sẽ bay ở độ cao thấp và phóng điện vào các đám mây, khuyến khích các giọt nước kết dính".

Các hoạt động "gieo mây" là một phần của dự án 15 triệu USD mà UAE đưa ra năm 2017 nhằm tạo ra mưa ở quốc gia khô cằn này.

Cập nhật: 23/07/2021 Theo Dân Việt
  • 4,47
  • 29.568