Vị trí vẽ các bức họa thời đồ đá được chọn dựa trên âm nhạc

  •  
  • 804

Theo phân tích mới về các hang động thời đồ đá cũ ở Pháp, người tiền sử chọn những nơi có âm vang tự nhiên để vẽ những phác thảo hang động nổi tiếng của họ.

Tại ít nhất 10 địa điểm, các bức vẽ ngựa, bò rừng và ma-mút dường như trùng với những địa điểm hội tụ, phóng âm và biến đổi âm thanh của giọng người và nhạc cụ.

Theo Iegor Reznikoff, chuyên gia về âm thanh tại ĐH Paris, người tiến hành cuộc nghiên cứu: “Bên trong hang Niaux tại Ariège, phần lớn các bức vẽ nổi bật nằm ở Salon Noir vang dội, nghe như ở trong một nhà nguyện La Mã.”

Bởi vậy những khu vực này được coi như nơi hội tụ nguồn năng lượng tự nhiên, ủng hộ giả thuyết cho rằng những hang động được trang hoàng nhằm phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo và phép thuật.

Một giả thuyết thú vị khác mà theo Reznikoff thừa nhận thì rất khó để kiểm chứng đó là các đặc tính âm thanh của hang động góp phần quyết định những con vật nào được vẽ trên thành hang. “Có lẽ những chú ngựa liên quan đến nơi có âm thanh đặc biệt theo một cách nào đó.”

Reznikoff sẽ trình bày những phát hiện mới nhất của ông trong tuần này tại buổi họp thường niên của Cộng đồng Âm học Mỹ, Paris.

Hình vẽ chú ma-mút này nằm trong phần âm vang nhất của hang động chính tại Arcy-sur-Cure gần Burgundy, Pháp. (Ảnh: M. Girard/courtesy Iegor Reznikoff)
Arcy-sur-Cure là một trong ít nhất 10 khu vực mà các bức phác thảo trong các hang động thời đồ đá cũ tập trung ở những điểm âm vang đặc biệt, cho thấy có mối liên hệgiữa hội họa và âm nhạc trong các nghi lễ thời đồ đá cũ.


Vị trí chiến lược

Reznikoff lần đầu tiên chú ý đến vị trí chiến lược của nghệ thuật hang động khi đến thăm Le Portel, một hang động thời đồ đá cũ ở Pháp năm 1983.

Là một chuyên gia âm học về các nhà thờ thế kỷ 11 và 12, Reznikoff thường ngâm nga mỗi khi lần đầu bước vào một căn phòng để có thể “cảm nhận âm thanh của nó”.

Ông ngạc nhiên khi phát hiện ở một số gian trong Le Portel có tranh vẽ động vật, tiếng ngâm nga của ông trở nên lớn hơn và rõ hơn đáng kể.

Ông phát biểu với National Geographic News: “Ngay lập tức ý tưởng này nảy sinh. Liệu có mối liên hệ giữa vị trí các bức vẽ với chất lượng âm vang tại những địa điểm hay không?”

Kể từ lúc đó, Reznikoff đã phát hiện ra mối tương quan giữa vị trí tranh vẽ và âm vang của môi trường xung quanh trong hơn 10 hang động thời đồ đá cũ khắp nước Pháp với các bức vẽ từ 25.000 năm đến 15.000 năm tuổi.

Tại những nơi các bức vẽ đặt cùng nhau trong hang động, giọng nói của con người được tăng âm còn các bài hát, bài kinh sẽ kéo dài trong không gian như những âm vang bất tận.

Paul Pettitt, chuyên viên nghệ thuật đá thời đồ đá cũ tại ĐH Sheffield, Anh, người không liên quan đến công trình này, cho biết giả thuyết của Reznikoff có thể giải thích được sự phân bố khó hiểu của nhiều bức vẽ trong các hang động.

“Trong một số hang động, những hình ảnh cứ tập trung lại tại vài khu vực nhất định. Đây dường như là sự lựa chọn có chủ ý chứ không phải ngẫu nhiên, với nhiều khu vực ‘vẽ được’ bị bỏ qua, còn trong một số trường hợp các bức vẽ tập trung trong các vùng âm vang.”

Mối liên hệ nghệ thuật

Ian Cross, Giám đốc Trung tâm Âm nhạc và Khoa học tại ĐH Cambridge, người không tham gia vào công trình, cho biết giả thuyết của Reznikoff là “thú vị” và đảm bảo sẽ có điều tra chi tiết hơn.

“Những gì ông ấy vừa thực hiện rõ ràng hàm ý rằng có cơ sở cho những nghiên cứu được tiến hành kỹ lưỡng hơn bao gồm cả đo đạc âm thanh chi tiết.”

Pettitt, nhà khảo cổ học ĐH Sheffield, cho biết nghiên cứu của Reznikoff thống nhất với công trình khác cho rằng âm nhạc và vũ điệu đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người cổ đại.

Những nhạc cụ như sáo bằng xương hoặc “roarer” – nhạc cụ bằng ngà và xương phát âm thanh vo vo theo nhịp điệu khi bị xoay tròn – cũng được tìm thấy trong những hang có hình vẽ.

Trong vài trường hợp hiếm gặp, bức vẽ trong hang bao gồm những phụ nữ được phục trang cầu kỳ trôngnhư đang khiêu vũ hoặc mang vẻ bí ẩn, hình vẽ những thầy phù thuỷ nửa người nửa thú đang tham gia vào những điệu nhảy biến hình.

“Chính vì vậy có một mối liên hệ nghệ thuật giữa khiêu vũ và hội họa. Có lẽ trong trường hợp này hội họa đang ghi lại những sự kiện tín ngưỡng. Khó mà tin được những nghi lễ đó lại diễn ra trong sự tĩnh lặng.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 804