Viêm cơ tim, phù thũng vì thiếu vitamin B1

  •  
  • 3.002

Thiếu vitamin B1 có thể dẫn đến viêm cơ tim cấp. Bệnh phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh được giai đoạn mạn tính.

Gạo ăn không nên xát kỹ dễ mất vitamin B1.

Gạo ăn không nên xát kỹ dễ mất vitamin B1.
(Ảnh: manucornet.net)

Hai tháng nay, ông T.V.D 55 tuổi ở E5 Thái Thịnh - Hà Nội thấy người mệt mỏi, ngực trái đau tức, mặt và hai chân phù căng, tê bì... Đi khám bác sĩ kết luận ông bị viêm cơ tim cấp do thiếu vitamin B1.

Cũng với những biểu hiện trên, đầu tháng 7 vừa qua ở thôn Trảy, xã Cẩm thạch, huyện Cẩm Thủy-Thanh Hóa có ba người tử vong và hàng chục người nhập viện. Kết luận ban đầu của Trung tâm y tế huyện Cẩm Thủy, những triệu chứng trên có biểu hiện giống dấu hiệu của rối loạn hấp thụ vitamin B1. Tại Viện Quân y 103, 48 bệnh nhân được chẩn đoán thiếu vitamin B1 đã được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vitamin B1 có nhiều trong các loại đậu đỗ thịt..., có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa, nhất là chuyển hóa gluxit, gluco. Nếu cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ gây rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng nặng, làm tổn thương thần kinh trung ương và ngoại vi, hệ tim- mạch, đặc biệt là viêm cơ tim cấp gây tử vong nhanh do ngừng tim đột ngột.

Trong Bách Khoa thư bệnh học NXB Từ điển Bách khoa đã thống kê, từ năm 1916 đến năm 1997 ở nước ta có 55.572 người mắc bệnh này bị liệt chi, teo cơ trong đó 22 trường hợp tử vong. Bệnh phát sinh hầu hết do chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, ăn gạo mốc dài ngày hoặc ăn gạo xay xát quá kỹ (vo gạo nhiều lần trước khi nấu cơm), uống nhiều rượu, lọc máu chu kỳ, dùng thuốc lợi tiểu kéo dài để điều trị các bệnh tim-thận, tăng huyết áp... Biểu hiện thường gặp ban đầu của bệnh là mỏi mệt, ăn ít nhức đầu, hồi hộp, đi lại khó, chuột rút, bắp chân tê bì... Những biểu hiện này thường bị bỏ qua đến khi người bệnh thấy đau tức ngực trái, phù hai chân. Hiện tượng phù bắt đầu từ hai chi dưới, lan lên bắp chân rồi lên mặt. Bệnh nhân đi tiểu ít, mạch nhanh, đồng thời rối loạn nhịp tim, gan to, huyết áp tăng. Nhiều bệnh nhân bị viêm đa dây thần kinh, đi khó, thậm chí liệt. Siêu âm tim có hình ảnh các buồng tim giãn, thể tích máu tăng, áp lực động mạch phổi tăng.

Thiếu vitamin B1 có thể diễn ra nhanh, gây viêm rồi suy tim cấp. Tình trạng này hay xảy ra ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh, người lao động nặng có chế độ dinh dưỡng kém, người ăn kiêng, thiếu dinh dưỡng kéo dài. Người bệnh bị thiếu vitamin B1 trong thời gian dài sẽ có hiện tượng tê và phù thũng. Tê là dấu hiệu thần kinh, phù là dấu hiệu ứ trệ tuần hoàn.

Tình trạng thiếu vitamin B1 thường xảy ra vào những năm 70-80 do chúng ta ăn gạo là chủ yếu, các thực phẩm bổ sung khác như thịt, cá đậu sữa quá ít. Nhưng ngày nay, nguồn cung cấp thực phẩm trong chế độ ăn của người dân ta đã đa dạng hơn, cân đối hơn nên khả năng thiếu vitamin B1 ít xảy ra. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp khả năng thiếu hụt chất này còn cao, thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường, người lao động trong môi trường quá nóng hay quá lạnh, lao động trí óc căng thẳng, phụ nữ cho con bú, người nghiện rượu; nhiễm trùng cấp, nhiễm độc cấp...

Sau nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng "tê tê, say say" liên quan đến vitamin B1 ở Hòa Bình chục năm trước, Viện Y học Lao động đưa ra khả năng của bệnh một phần do ngộ độc thủy ngân vì một số kim loại nặng đã ức chế các men trong đó có vitamin B1. Thủy ngân, một yếu tố quan trọng gây triệu chứng tê bì, rối loạn cảm giác, giống như khi bị thiếu vitamin B1, chỉ khác là không có triệu chứng ở tim và cơ rõ rệt.

Với những người bị thiếu vitamin B1, việc điều trị sẽ kéo dài từ 3-10 ngày. Bệnh nhân sẽ được dùng vitamin B1 liều 500-1.500mg/ ngày tiêm tĩnh mạch. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Khi đó sẽ xuất hiện suy tim mãn, có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HẢI

Theo Đại đoàn kết, Nhân dân
  • 3.002