Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau và cứng các khớp. Bệnh lý không chỉ gây khó khăn cho người bệnh khi đi lại mà còn để lại nhiều biến chứng cho khớp như dính khớp, biến dạng khớp, tàn phế. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Các loại thực phẩm có khả năng kháng viêm tốt, giàu chất chống oxy hóa là lựa chọn cho người bệnh bị viêm khớp dạng thấp. Một chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng và khoa học sẽ hỗ trợ tối đa quá trình kiểm soát bệnh. Người bệnh bị viêm khớp dạng thấp nên bổ sung nhóm thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn hàng ngày.
Rau xanh là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh bị viêm khớp dạng thấp. Đặc biệt là các loại rau có màu xanh đậm sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các chất chống oxy hóa và vitamin giúp bảo vệ tế bào, tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm thiểu những tổn thương do viêm khớp gây ra. Ngoài ra trong các loại rau xanh tự nhiên còn chứa sulforaphane góp phần giúp làm chậm quá trình phá hủy xương khớp do phản ứng viêm gây ra.
Các loại rau xanh giúp bảo vệ tế bào, hạn chế tổn thương do viêm khớp dạng thấp gây ra.
Omega-3 là chất giàu đặc tính chống viêm có nhiều trong các loại cá béo như cá mòi, cá thu, cá ngừ, cá trích. Người bệnh bị viêm khớp dạng thấp ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 sẽ giúp giảm và hạn chế sự viêm nhiễm tại khớp, hỗ trợ giảm triệu chứng sưng, viêm khớp, từ đó giảm đau khớp rất tốt.
Dầu oliu chứa rất nhiều các thành phần chống viêm tự nhiên như polyphenols, oleocanthal. Các chất này giúp chống lại các tiền chất gây viêm và sưng khớp, từ đó hỗ trợ giảm triệu chứng sưng tấy khớp, đau khớp cho người bệnh, cải thiện khả năng vận động.
Với những người bị viêm khớp dạng thấp cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế các loại thực phẩm tăng phản ứng viêm để tránh làm tình trạng bệnh diễn biến phức tạp. Dưới đây là các loại thực phẩm mà người bị viêm khớp dạng thấp cần tránh hoặc ăn hạn chế trong các bữa ăn hàng ngày.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo. Đặc biệt là chất béo từ mỡ động vật chứa hàm lượng lipid cao sẽ dẫn đến mỡ máu tăng. Khi ấy các phản ứng viêm tại khớp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, khớp sưng tấy và đau nhức thường xuyên hơn. Do đó người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như xúc xích, dăm bông, lạp xưởng, đồ đóng hộp, bơ, mỡ động vật, các loại đồ chiên.
Người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bởi chúng sẽ gây tăng phản ứng sưng viêm tại khớp
Người bệnh cần giảm tiêu thụ các món ăn từ đạm động vật và các loại thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như hải sản, gia cầm, thịt đỏ… bởi các loại thực phẩm này sẽ tăng gia tăng phản ứng sưng viêm bên trong khớp khiến các cơn đau khớp tiến triển trầm trọng hơn. Thay vào đó người bệnh nên ưu tiên protein từ thực vật như đậu phụ, các loại đỗ, ngũ cốc, các loại hạt… sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể và hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh được tốt hơn.
Để hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao như đường, bơ, bánh kẹo. Bên cạnh đó các loại thực phẩm chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, kim chi người bệnh cũng không nên ăn nhiều. Đồ ăn chứa nhiều muối và đường sẽ gây mất nước, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, đặc biệt hàm lượng muối trong cơ thể tăng cao sẽ gây thiếu hụt canxi trong xương, khiến quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn.
Nội tạng động vật chứa quá nhiều Cholesterol gây rối loạn chuyển hóa, mỡ máu tăng cao, xơ vữa động mạch. Khi hàm lượng Cholesterol tăng cao còn dẫn đến tăng huyết áp, tiểu đường, gout, thừa cân, béo phì, gia tăng áp lực lên các khớp, khiến xương khớp chịu lực kém hơn và làm trầm trọng thêm các bệnh lý viêm khớp.
Rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác chứa chất kích thích làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Chính vì vậy những người bị viêm khớp dạng thấp nên tránh xa các loại thức uống này để tránh tình trạng bệnh ngày một nặng hơn.