Viêm tai giữa vì hắt hơi, xì mũi quá mạnh

  •  
  • 270

Theo các chuyên gia, xì mũi, hắt hơi tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng. Thực hiện sai cách có thể gây chảy máu mũi, viêm tai giữa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, mũi khi bị viêm, có dịch nhầy, thông thường trẻ hay người lớn thường đều muốn đưa chúng ra ngoài. Cách đơn giản nhất mọi người thường làm là xì mũi. Lực khi xì mũi rất mạnh, lên tới 200 mmHg. Nếu bạn xì hai bên mũi cùng lúc, dịch nhầy không ra, thậm chí bắn ngược vào trong, kéo theo vi khuẩn lên tai, làm viêm tắc vòi nhĩ dẫn đến viêm tai.

Lưới mạch máu nuôi mũi rất phong phú. Khi xì mũi quá mạnh sẽ làm mạch máu giãn rộng, tạo áp lực gây vỡ mạch máu, dẫn đến chảy máu mũi.

Xì mũi đúng cách là nên xì từng bên, bịt một bên mũi, há miệng, rồi làm sạch bên kia, sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại. Tốt nhất, bạn nên nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý vào mũi để làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, xoang, rồi nhẹ nhàng xì sạch theo cách trên.

Khi xì mũi quá mạnh sẽ làm mạch máu giãn rộng, tạo áp lực gây vỡ mạch máu, dẫn đến chảy máu mũi.
Khi xì mũi quá mạnh sẽ làm mạch máu giãn rộng, tạo áp lực gây vỡ mạch máu, dẫn đến chảy máu mũi. (Ảnh: Tigerpawscarpet).

Bác sĩ Ngọc Dinh cũng khuyên bạn nên dùng khăn giấy, không xì ra tay. Sử dụng tay rất mất vệ sinh, tiếp tục cầm nắm vào những đồ dùng công cộng có thể làm lây lan vi khuẩn, gây bệnh cho người xung quanh. Nếu ngạt mũi tới mức không thể xì được, bạn phải đến khám bác sĩ, không nên tự ý xử lý.

Trẻ nhỏ thường không biết xì mũi mà lại hít mạnh vào khiến các chất này đi xuống họng, ngược vào xoang gây viêm xoang. Hơn nữa, khi xì mũi trẻ thường bịt cả hai lỗ mũi làm các chất ứ đọng đó cũng đi ngược vào xoang gây viêm họng, viêm phế quản.

Tương tự như việc xì mũi, việc hắt hơi quá mạnh cũng ẩn chứa nguy cơ gây chảy máu mũi và viêm tai giữa. Hơn thế, khi hắt hơi, dịch trong miệng bắn ra ngoài tới 6 m, vi khuẩn tung ra không khí, gây bệnh cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, bạn rất khó cưỡng lại chúng. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên tìm cách để được hắt xì một cách thoải mái. Bạn nên dùng khăn giấy để che miệng lại, sau đó bỏ nhanh vào thùng rác.

Nếu không có khăn giấy, cách đơn giản nhất là hắt hơi vào khuỷu tay hoặc phần cánh tay trên. Cách này giúp bạn tránh việc nhân rộng lượng vi khuẩn rồi phát tán ra không khí, ngăn ngừa lây lan mầm bệnh, tránh gây truyền nhiễm cho người khác.

Cập nhật: 22/01/2019 Theo Zing
  • 270